Những người bà, người mẹ đội nón, che chắn mình kín mít đứng phơi các đứa trẻ đỏ hỏn trên những con đường không có vỉa hè và xe cộ đông đúc khiến tôi băn khoăn liệu có nên tắm nắng cho trẻ trên đường.
Khi một đứa trẻ ra đời, bác sĩ nhi nào cũng yêu cầu gia đình phải cho trẻ tắm nắng, nhưng hình như các bác sĩ không hỏi “có chỗ nào cho trẻ tắm nắng không?”.
Vì thế ở đô thị như TP.HCM, Hà Nội, những gia đình sống trong các hẻm nhỏ, hẻm sâu, nhà không có sân thượng - nơi ánh nắng mặt trời không thể chiếu tới - đành lũ lượt mang trẻ sơ sinh ra đường phơi nắng vào giờ cao điểm buổi sáng.
Trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện hệ hô hấp và các cơ quan như thị giác, thính giác... khi sinh ra, bé phải tập thích nghi dần với một môi trường khác hẳn môi trường vô trùng trong bụng mẹ.
Vậy có nên hay không mỗi sáng đưa bé ra đường để tai bé nghe những tiếng ồn ào, trong đó có tiếng còi hơi chát chúa của xe buýt, bé hít thở bầu không khí đặc quánh khói xe, bụi đường cuộn lên khi mỗi bánh xe lăn qua?
Có ai đã thử kiểm tra trong đám bụi đường ấy có bao nhiêu vi khuẩn từ những bãi khạc nhổ vô tội vạ của người đi đường, của chất thải vật nuôi, của chuột, của rác?
Và liệu có những tai nạn từ trên trời rơi xuống bởi các chiếc xe mất lái, chạy ẩu khi người lớn ôm trẻ con phơi nắng ở những con đường không có vỉa hè hay không?
Thân nhân của trẻ sơ sinh luôn đặt niềm tin tuyệt đối nơi bác sĩ. Vì thế có lẽ khi khám cho trẻ và tư vấn cho gia đình, bác sĩ nên hỏi một câu “nhà có chỗ phơi nắng không?”.
Theo tôi, việc tư vấn này sẽ giúp cha mẹ của trẻ có thêm lựa chọn để chăm sóc trẻ tốt hơn và có thể sẽ giảm một nguyên nhân gây bệnh viêm hô hấp cho trẻ...
* TS.BS VŨ TỀ ĐĂNG (phó trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM):
Tắm nắng không đúng cách gây hại cho trẻ
Tắm nắng đúng cách khá quan trọng trong việc giúp trẻ tổng hợp được lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể nhằm phòng tránh bệnh còi xương.
Tuy nhiên, việc tắm nắng không đúng cách không những không có lợi mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Vậy làm sao để trẻ tắm nắng đúng cách? Ánh nắng để tắm cho trẻ không được quá nóng vì làn da của trẻ rất non yếu, mỏng manh. Nếu tắm nắng cho trẻ dưới ánh nắng quá nóng có thể làm trẻ bị tổn thương làn da hoặc làm tăng quá mức thân nhiệt.
Vì vậy các bậc phụ huynh nên chọn ánh sáng vào đầu ngày lúc mặt trời vừa lên để tắm nắng cho trẻ.
Ở các thành phố nhộn nhịp, đông người, nhà cửa san sát như TP.HCM, không phải vị trí nào cũng có thể tắm nắng cho trẻ được.
Vị trí tắm nắng cho trẻ cần có không khí trong lành, không có khói bụi, không có gió lùa quá mạnh. Nếu không đảm bảo những điều kiện này, tốt nhất không nên cố tắm nắng cho trẻ mà có thể bổ sung vitamin D bằng đường uống.
Những nhà cao tầng có sân thượng nên đưa trẻ lên sân thượng tắm để tránh khói bụi, tuy nhiên cũng cần phải chọn nơi ít gió lùa. Nếu trong nhà có cửa hướng đông, ánh sáng chiếu tận vào phòng thì có thể cho trẻ tắm nắng trong phòng để tránh bị gió lùa.
Chú ý khi tắm cho trẻ phải mở cửa kiếng vì kiếng có thể làm giảm tác dụng của việc tắm nắng. Ngoài ra, khi tắm nắng cho trẻ lưu ý không để mắt trẻ nhìn trực tiếp vào ánh nắng mà nên lấy băng bịt mắt cho trẻ vì nếu trẻ vô ý nhìn thẳng vào mặt trời có thể gây tổn hại đến mắt.
Để tắm nắng có hiệu quả, da của trẻ phải tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, không cần tắm nắng hết toàn bộ cơ thể trẻ mà chỉ cần tắm nắng ở phần lưng, phần mông và tay chân.
Thời gian tắm nắng kéo dài khoảng 15 phút mỗi ngày là đủ để cơ thể tự sản sinh lượng vitamin D cần thiết cho trẻ trong việc hấp thụ canxi.
Nếu đang tắm nắng, trẻ có biểu hiện tăng thân nhiệt, đổ mồ hôi nhiều, mặt đỏ, nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn thì cần ngưng ngay và cho trẻ vào phòng uống sữa hay nước để tránh việc mất nước quá mức.
* Bác sĩ NGUYỄN TRÍ ĐOÀN (trưởng khoa nhi phòng khám quốc tế Victoria Healthcare):
Bổ sung vitamin D cho trẻ qua đường uống
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khác trên thế giới không khuyến khích tắm nắng cho trẻ vì chưa có nghiên cứu về mặt lợi của tắm nắng, nhưng đã có những bằng chứng về tác hại của việc cho trẻ tắm nắng như làm bỏng da, nổi sảy, mẩn ngứa và chàm da nếu trẻ có cơ địa da nhạy cảm và nguy cơ gây ung thư da vì da của trẻ rất mỏng và còn non.
Theo khuyến cáo chung của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, nếu trẻ uống sữa công thức với lượng từ 700ml trở lên mỗi ngày thì không cần phải bổ sung vitamin D vì lượng vitamin có trong sữa đã đáp ứng đủ.
Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc uống ít hơn 400ml sữa công thức mỗi ngày thì cần bổ sung 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày qua đường uống. Trẻ có thể bổ sung vitamin D từ lúc hai tuần tuổi, bởi trong những tuần đầu tiên trẻ vẫn còn đầy đủ lượng dưỡng chất đã có từ trong bụng mẹ.