Tấm lòng người cha có 32 đứa con

GD&TĐ - Ở tuổi 33, Nguyễn Thanh Tuấn bất chấp khó khăn cơm áo, gạo tiền, anh nhận làm cha của hơn 32 trẻ mồ côi khắp các tỉnh miền Tây. Chưa dừng ở đó, anh còn san sẻ nhiệt huyết thiện nguyện đến cộng đồng bằng việc tham gia xây cầu, thiết kế trạm cấp nước, làm đường… cho người dân ở những khu vực khó khăn.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (thứ hai, từ phải qua) trong lần xây nhà cho “con đỡ đầu” ở Vĩnh Long
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (thứ hai, từ phải qua) trong lần xây nhà cho “con đỡ đầu” ở Vĩnh Long

Cha nuôi “xuyên” miền Tây

Sau giờ mưu sinh, anh Nguyễn Thanh Tuấn (33 tuổi, ngụ phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) lại lật giở cuốn sổ ghi lại hoàn cảnh và địa chỉ những đứa trẻ mồ côi cần giúp đỡ. Từ 3 năm nay, anh Tuấn “nổi tiếng”… nhiều con khi nhận nuôi 32 đứa trẻ mồ côi rải rác khắp các tỉnh miền Tây. Người dân phường 3 (TP Vĩnh Long) cho biết mặc dù Tuấn còn trẻ nhưng rất nhiệt huyết trong việc giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, anh có niềm xúc động mãnh liệt khi bắt gặp các bé mồ côi ham học.

Anh Tuấn cho biết: “Lúc còn nhỏ, gia đình tôi rất nghèo nên không đủ sức chăm lo cho tôi, đành phải cắn răng gửi tôi vào ở với một ông chủ lò gạch. Ở đây, tôi học được nhiều thứ nhưng cũng thấm nỗi buồn xa cha, xa mẹ. Tôi hiểu nỗi buồn khi không được trọn vẹn tình thương yêu của cha mẹ, thế nên, mỗi khi thấy các em mồ côi, tôi muốn giúp phần nào để các em có thể vượt qua nghịch cảnh”.

Với tấm lòng ấy, anh tham gia một tổ chức từ thiện ở Bến Tre. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, anh buộc phải chuyển về Vĩnh Long hoạt động. “Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi đã quyết trích 500 đồng mỗi ly cà phê từ quán cà phê của mình vào quỹ “tiếp sức đến trường” cho các em. Sau này, tôi thành lập được hẳn một câu lạc bộ”, anh Tuấn cho biết. Từ đó, câu lạc bộ từ thiện cà phê Suối Mơ ra đời, hướng tới mục đích chắp cánh ước mơ đến trường cho nhiều trẻ mồ côi tại Vĩnh Long và một số tỉnh ĐBSCL.

Càng ngày, công việc thiện nguyện của anh như hương thơm lan tỏa. Anh cho biết: “Tôi bàn bạc với các thành viên trong nhóm và quyết định chọn đối tượng hỗ trợ là trẻ em mồ côi nhưng ham học, học giỏi”. Những học sinh được anh nhận hỗ trợ được chu cấp tiền ăn học từ 500 - 1 triệu đồng/tháng, hoặc 5 triệu đồng/năm.

Trong hơn 3 năm thực hiện, anh đã nhận làm cha đỡ đầu cho 32 trẻ là học sinh tiểu học tại các địa phương ở tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Em Nguyễn Diễm Thúy, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hòa Bình D (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết: “Nhà con rất nghèo, ba con lại bị bệnh tâm thần. Mỗi lần lên cơn, ba dữ lắm hay đánh con và mẹ. Sau khi ba mất, nhà nghèo, tưởng không còn được đi học nữa. May mà có ba Tuấn nhận con làm con nuôi rồi cho con tiền đi học”.

Nói về những đứa con của mình, anh Tuấn chia sẻ: “Các em đều có hoàn cảnh sống hết sức khó khăn, như là con trong gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, không có tiền đi học,… Đa phần, các em sống trong những căn nhà rách nát, gia đình sống dựa vào tiền trợ cấp, tình thương của hàng xóm, địa phương... Tuy nhiên, các em đều rất ham học và học giỏi. Đối với những hoàn cảnh này, chúng tôi đều nhận đỡ đầu, lo cho các em tiếp tục đi học. Với 32 em, tôi nhận làm cha đỡ đầu, chúng tôi đều hỗ trợ tiền học và xây lại nhà mới cho các em”.

Chống hạn, xây cầu, mở đường cho dân nghèo

Ngoài việc “làm cha” của 32 trẻ mồ côi khắp các tỉnh miền Tây, anh Tuấn và câu lạc bộ từ thiện cà phê Suối Mơ còn tìm cách giúp đỡ người dân ở những khu vực khó khăn.

Đợt nắng hạn khủng khiếp năm 2016 khiến anh cùng các thành viên trong câu lạc bộ của mình trăn trở nỗi niềm cần cấp nước sạch cho bà con ở các tỉnh ven biển. Anh cho biết: “Người dân ven biển các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng… chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tôi và các thành viên lên ý tưởng giải quyết vấn đề trên bằng cách tự thiết kế ra Trạm cấp nước ngọt công cộng”.

Theo anh Tuấn, sau khi nghiên cứu kỹ, mỗi trạm cấp nước có kinh phí 50 triệu đồng, dùng được cho 50 hộ dân tại địa phương. Bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, anh và câu lạc bộ của mình đã thực hiện được 31 trạm cấp nước cho người dân tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng,…

Sự thành công ngoài mong đợi của hoạt động đầy ý nghĩa trên lan tỏa đến nhiều tỉnh khác. Sau khi hoàn thành, các trạm cấp nước của anh đều hoạt động tốt. Thấy có hiệu quả, Đoàn thanh niên các tỉnh cũng làm theo, giúp người dân vượt qua hạn, mặn.

Không chỉ thế, trên hành trình thiện nguyện của mình, bắt gặp ở những vùng khó khăn, người dân thiếu cầu, đường sá…, anh Tuấn đều lên kế hoạch xây cầu, mở đường. Anh nói: “Vào mùa mưa lũ, đường sá, cầu đối với bà con vùng khó khăn rất quan trọng. Thế nên, tôi có ý tưởng giúp bà con làm cầu, sửa chữa lại đường xá hư hỏng nặng. Rất may, ý tưởng của tôi đều được các thành viên tán thành, ủng hộ. Thậm chí, các doanh nghiệp, mạnh thường quân khi nghe tôi vận động xây cầu, mở đường họ đều nhiệt liệt hưởng ứng”.

Mỗi khi thấy các em học sinh tự tin đến trường trên con đường, cầu bê tông chắc chắn bất kể nắng mưa anh Tuấn rất hạnh phúc. “Cứ mỗi mùa mưa bão, ở những địa phương còn khó khăn, các em học sinh phải lội bùn, sình đến trường.

Để con em mình đến trường sạch sẽ hơn, bà con cứ lấy đá, gạch vụn đổ lên để đi tạm. Nhưng, cách làm này chỉ mang tính tạm thời, không lâu sau đường lại hư hỏng. Đáng nói hơn, ở một số địa phương, để đến trường, các em phải vượt sông, rạch bằng thuyền, ghe, cầu tạm… Mùa nắng không sao, nhưng vào mùa lũ rất nguy hiểm. Do đó, chúng tôi quyết định lên kế hoạch làm đường, làm cầu bê tông ở những địa phương này. Gần đây nhất, chúng tôi đã tiến hành xây cầu Nhân ái vượt qua sông Chà Và thay cho phà ở ấp Phú Thạnh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long)”, anh Tuấn chia sẻ.

Cầu Nhân Ái thời điểm sắp hoàn thiện
Cầu Nhân Ái thời điểm sắp hoàn thiện 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.