Đó chính là thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng (trú tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) năm nay 60 tuổi, nhưng thầy Dũng đã có 24 năm dạy học, chắp cách ước cho biết bao lứa học sinh nghèo đỗ đạt thành tài.
Nghị lực người thầy
Khi tìm đến người thầy nổi tiếng khắp vùng núi Hương Khê, chúng tôi mới thấu hết được tâm huyết của thầy này. Ngôi nhà như một trường học thu nhỏ, thầy dành trọn cả căn phòng rộng rãi nhất để làm phòng học, bàn ghế ngay ngắn, bảng đen sạch bóng, dẫu đơn sơ nhưng vẫn toát lên sự nghiêm túc, sạch sẽ của một lớp học nơi vùng quê.
Gần trưa, học sinh tan lớp thầy mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi. Thầy Dũng tâm sự, mình vốn chẳng có bằng cấp gì, chỉ học hết lớp 9 ngày xưa (tức lớp 11 bây giờ), việc học của thầy cũng từng phải dang dở, đứt đoạn nhiều lần.
Năm học lớp một, một cơn sốt cao đã khiến thầy bị bại liệt toàn thân không thể đi lại được. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, qua tay nhiều bác sĩ giỏi nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ngày đó, bố mẹ thầy không muốn con mình thất học nên thay phiên nhau cõng thầy tới trường.
Học đến lớp 7 căn bệnh bắt đầu tái phát với những cơn đau dữ dội, gia đình phải đưa thầy đến bệnh viện quân đội 108 ở Hà Nội chữa trị, mất 2 năm thầy trở về với một chân bị liệt hoàn toàn.
Dốc hết tiền của chữa bệnh, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, trường học lại sơ tán xa, sức khỏe yếu đi nhiều, thầy đành tạm gác lại việc học khi chỉ học đến lớp 9. Vốn thông minh, học giỏi nên khi nghe tin thầy nghỉ học bạn bè, thầy cô ai cũng đều tiếc nuối.
Lớn lên thầy Dũng lập gia đình và có cho tổ ấm của mình 4 đứa con, cũng từ đây thầy phải bươn chải, đương đầu với nhiều khó khăn hơn. Gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đã khiến thầy phải làm thử với đủ thứ nghề, từ kế toán, bưu điện, đoàn xã đến buôn bán, thợ xây, thợ mộc…miễn sao có tiền lo cho gia đình.
Vất vả, khó khăn là thế, nhưng hằng ngày đi làm về thầy lại cặm cụi nghiên cứu sách vở, trau dồi kiến thức vừa giảng dạy kèm cặp 4 đứa con ăn học. Cứ thế con học đến lớp nào là cha học đến lớp đó, thầy tự học và nhiều lúc làm học trò của con, nhiều lúc họ tranh cãi với nhau về một bài toán khó, hay một vấn đề nào đó như những người bạn học.
Thế rồi, quả ngọt đến với thầy khi bốn đứa con đều đậu vào các trường đại học, vui hơn khi 3 trong số đó tốt nghiệp loại Giỏi và đã có công việc làm ổn định. Cũng từ đó, danh tiếng gia đình hiếu học này nổi danh khắp vùng, nhiều gia đình trong vùng kéo nhau đưa con, đưa cháu đến nhờ thầy dạy học.
Thầy Dũng chia sẻ: “Thật sự lúc đó rất bất ngờ, thấy phụ huynh nói vậy tôi rất vui nhưng cũng thấy gánh nặng, tôi chỉ tự học, không có bằng cấp gì nên chẳng dám nhận lời. Nhưng được mọi người động viên, lại thấy nhiều em học sinh ham học muốn được tôi giúp đỡ nên tôi cũng gật đầu”.
Thầy giáo của dân
Năm 1993, thầy Dũng bắt đầu có lứa học sinh học sinh đầu tiên, lớp học có 28 em vừa thi trượt lớp 10. Sau 3 tháng ôn luyện tất cả cả em đều thi đậu vào lớp 10 với số điểm cao, thậm chí có em trước đó thi được 0 điểm sau khi ôn luyện đã đạt 8 điểm.
Có được thành tích đó là vì thầy rất tận tâm và khá nghiêm khắc, để được nhận học, bố mẹ các em phải đến viết giấy cam kết đồng ý các nội quy của lớp học. Sau mỗi buổi học, thầy Dũng đều cho các em làm bài kiểm tra 15 phút, sau một tuần thì kiểm tra một tiết rất quy củ, tất cả bài kiểm tra thầy chấm chu đáo và gửi về cho từng phụ huynh.
Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy ngày càng đông, từ học sinh lớp 3 đến những sinh viên trượt đại học, thầy phải chia ra 3 ca với 6 lớp học. Một lớp học của thầy có nhiều em học lớp khác nhau vì thế thầy phải kèm cặp từng em, thay đổi từng bài toán phù hợp với từng học sinh.
Vốn không được đào tạo bài bản nên trong khi giảng dạy thầy cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đề bài hóc búa khiến thầy phải mày mò cả đêm để giải cho bằng được giải đáp cho các em. Học trò ai cũng vừa kính vừa thương thầy.
Học sinh đến học lớp thầy chỉ phải đóng từ 5 - 10 nghìn đồng/ buổi học trong khi học ở ngoài mỗi buổi học lên đến 40 nghìn. Thậm chí, thấy nhiều em có hoàn cảnh khó khăn thầy lại không thu học phí, nhiều em đến học đường sá xa xôi thầy lại bàn bạc với vợ nấu ăn trưa, sắp chỗ cho các em nghỉ ngơi để chiều học tiếp.
Thầy Dũng còn nhớ, em Nguyễn Thị Giang quê ở Phương Điền (Hương Khê, Hà Tĩnh), nhà em nghèo, rất muốn đến lớp để được thầy giảng dạy nhưng vì nhà xa lại không có xe để đi. Biết được hoàn cảnh, thầy đã đến tận nhà trao tặng em chiếc xe đạp để em đến lớp học tập.
Vài tháng một lần, thầy họp các phụ huynh, yêu cầu mang hết bài kiểm tra của con đến để so sánh, đối chiếu với nhau nhằm đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh. Chính nhờ thái độ dạy thật, học thật và kỷ luật thép nên thầy Dũng được các em học sinh nể phục, cha mẹ các em tin tưởng gửi gắm.
Đến nay thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng đã đào tạo hàng ngàn học sinh, giúp hàng trăm em thi đậu học sinh giỏi tỉnh và đại học. Nhiều em đậu vào các trường đại học danh tiếng, trong số đó có em Nguyễn Văn Báo ở Hương Khê đậu thủ khoa trường Đại học Nông lâm Huế và trường Đại học Y Huế; Em Lê Việt Hoa ở Đức Thọ đậu Đại học Y Huế; Em Hồ Sĩ Hào quê ở Hương Sơn đậu Học viện An ninh. Đặc biệt, năm vừa rồi thi đại học 100% học sinh của thầy đậu nguyện vọng một.
Với những đóng góp của thầy trong hơn 20 năm dạy học, thầy được UBND huyện Hương Khê, Tỉnh Hà Tĩnh trao tặng nhiều bằng khen về những đóng góp tích cực trong việc giáo dục học sinh. Đặc biệt năm 2010, thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội.