Tấm lòng của một nhà giáo vùng cao xứ Quảng

(GD&TĐ) - Hơn 15 năm công tác giảng dạy ở miền rừng núi Đông Giang (Quảng Nam), anh đã quen với từng con dốc, từng bờ suối, từng mùa lũ về mang theo cái đói triền miên đến cho những đứa học trò người Cơ Tu. Về Trường THCS Kim Đồng, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam), hỏi thầy giáo Nguyễn Văn Cường, có lẽ khá nhiều người đều nhắc đến anh với sự yêu mến chân thành.

Tình nguyện dấn thân vì trẻ em miền núi...

Năm 1998, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Cường quê ở Tiên Phước (Quảng Nam) đã có một quyết định khá táo bạo khi tình nguyện lên Đông Giang để dạy Ngữ văn. Thời ấy, hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam còn vô vàn những khó khăn. Từ việc đi lại, điều kiện ăn ở, bệnh tật và những vấn đề phát sinh khác.

Những ngày đầu bước chân lên Đông Giang, anh hơi ngỡ ngàng bởi không hình dung được những thiếu thốn, vất vả, cơ cực của những đồng bào Cơ Tu, mà đặc biệt là trẻ em nơi đây. So với bạn bè cùng trang lứa ở miền xuôi, các em còn rất nhiều điều khổ cực. Càng thấy vậy, thầy giáo trẻ càng thương hơn, càng quyết tâm hơn với con đường mình đã chọn. Ngoài giờ dạy, anh còn đến tận nhà từng em, điều tra hoàn cảnh để có biện pháp giúp đỡ từng em. 

Hình ảnh thầy giáo Nguyễn Văn Cường hằng ngày vừa dạy học, vừa giúp học sinh các công việc thường nhật, vừa động viên, hướng dẫn bà con những cách làm kinh tế hay đã trở nên quen thuộc với đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang.

Nhiều nhà đã xem anh như con cháu trong gia đình. Bẫy được chút thịt rừng cũng gọi thầy Cường. Nhà có việc lễ đám gì cũng mời thầy Cường cho bằng được. Bữa cơm đầu tiên khi thu hoạch một mùa lúa rẫy, một nương bắp (ngô) cũng tất tả chạy đi mời thầy cùng chung bữa cho bằng được.  

Tiếng thơ của một thầy giáo nơi núi rừng

Bắt đầu làm thơ, viết tản văn từ hồi còn học phổ thông, nhưng có lẽ khi bước chân đến vùng rừng núi Đông Giang, ngọn nguồn thơ trong Nguyễn Văn Cường mới được khơi gợi hết. Những em học sinh nhem nhuốc nhưng đáng yêu và ngây thơ, những người phụ nữ gùi sắn gùi măng từ nương rẫy trở về trên đường rừng chiều, những bản làng sương giăng mây phủ…

Đó là những đề tài làm cho tâm hồn người thầy giáo Nguyễn Văn Cường được thăng hoa. Những tác phẩm của anh lần lượt được đăng trên các báo Quảng Nam, Tài Hoa Trẻ, Giáo dục & Thời đại, Quân Đội Nhân Dân…

Miệt mài với những câu thơ núi rừng, năm 2009, anh Nguyễn Văn Cường được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. Từ đó, vừa là nhà giáo, vừa là nhà thơ, anh ý thức hơn nhiệm vụ của mình ở một môi trường vẫn còn khá nhiều khó khăn.

Vừa hoàn thành tốt công tác giảng dạy, anh lại rất nhiệt tình với văn thơ. Những khi có những chuyến đi thực tế, những cuộc họp mặt văn thơ, nếu có thời gian rảnh rỗi, anh sẵn sàng vượt quãng đường gần 150 km để về tham dự, sẻ chia cùng anh em. Anh bảo như vậy cuộc đời cảm thấy càng nhiều niềm vui hơn.

Với những mong mỏi và cống hiến của mình, thầy giáo Nguyễn Văn Cường đang là một tấm gương sáng về giáo viên ở Đông Giang nói riêng và các huyện miền núi Quảng Nam nói chung. Con đường của một thầy giáo cắm bản vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng bằng tình yêu thương, bằng những câu thơ nâng bước mình đi, tôi tin rằng anh sẽ làm được nhiều hơn cho học sinh và đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Thành Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ