Tâm lí đám đông, bệnh cố hữu của nhiều người Việt

Việc đón đầu nhu cầu phải diễn ra trước khi nhu cầu lên cao, còn khi phong trào đã diễn ra, lại xông vào là hơi muộn. Bởi trước khi kịp thu hồi vốn thì phong trào có lẽ đã thoái trào.

Tâm lí đám đông, bệnh cố hữu của nhiều người Việt

Tâm lí đám đông là cụm từ hay được nhắc tới mỗi khi có một đám đông cùng cư xử như nhau. Tâm lí này có sức mạnh riêng của nó, và những ai đã vào tầm ảnh hưởng của đám đông ắt cũng hiểu rõ sức mạnh đó ra sao. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tâm lí đó có tầm quan trọng như thế nào?

Trước hết, tôi xin điểm lại một vài "phong trào" ở Việt Nam mà tôi đã thấy hay đã nghe nói tới. Vào những năm 1980 có phong trào nuôi cá rô phi. Cá được nuôi khắp nơi bởi rất dễ nuôi và cho nhiều thịt. Sau đó có lời đồn rằng ăn cá rô phi sẽ bị bệnh và cá rô phi nhanh chóng trôi vào quên lãng.

Rồi tới phong trào bán trái nhàu. Trái nhàu chín hôi rình và không có giá trị thực phẩm là bao nhiêu. Khi nhỏ tôi vẫn hay bỏ chạy mỗi khi gặp phải trái nhàu hoang dại chín trên cây vì hôi quá.

Tuy vậy lại có lời đồn rằng trái nhàu trị bệnh tiểu đường, rồi cả trị bệnh ung thư. Trái nhàu xuất hiện khắp nơi trên các xe ba gác báo dạo, rồi trái nhàu cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Ngày nay, cũng có những đợt kinh doanh theo phong trào, cụ thể là kinh doanh chè khúc bạch và kinh doanh bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn. 

Cả hai món ăn này, nếu chế biến vệ sinh thì đều là món ăn ngon, bổ dưỡng. Nhưng không vì thế mà hai món ăn này lại có gì qua đặc biệt so với những món tương tự. Hôm nay thì hai trào lưu này cũng đã đến lúc thoái trào.

Trào lưu là một phần của cuộc sống con người. Thế nên mới có "mốt", mới có "phong trào". Trong kinh doanh, việc xây dựng một công ty hay một cửa hàng thành công vốn không chỉ là chuyện ngày một ngày hai. 

Thường thì các công ty ở Mỹ dưới 10 năm vẫn bị coi là non trẻ. Các cửa hàng dưới 3 năm cũng thuộc loại non trẻ, còn tuổi thọ của các phong trào thì chỉ chừng một hai năm. Vậy sao lại có nhiều người Việt Nam kinh doanh theo phong trào?

Xu thế làm theo đám đông có khá nhiều ở mọi nơi. Tôi có đọc về hiện tượng tâm lí đám đông. Theo các nhà tâm lí, thì khi một vài người trong đám đông làm một điều gì đó, và điều đó được những người khác trông thấy, thì họ sẽ làm theo. Cho nên, ngày xưa các nhà hát hay có người "câu mồi", mỗi khi diễn viên làm trò thì họ cười phá lên để mọi người cười theo.

bp13-8078-1379563797-3340-1409368507.jpg

Người dân tập trung mua bánh trung thu tại Hà Nội.

Trở lại câu chuyện kinh doanh theo phong trào, việc đón nhu cầu của người dùng để kinh doanh là hợp lí. Tuy nhiên việc đón đầu nhu cầu phải diễn ra trước khi nhu cầu lên cao, còn khi phong trào đã diễn ra, lại xông vào là hơi muộn. Bởi trước khi kịp thu hồi vốn thì phong trào có lẽ đã thoái trào.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam nên tỉnh táo trước các phong trào. Những tin đồn tạo ra và dập tắt các phong trào thường không có xuất phát rõ ràng. 

Thực tế là trước khi phong trào có mặt thì cuộc sống của ta vẫn ổn, và khi phong trào ra đi thì ta cũng vẫn vậy, trừ khi là ta đã bỏ tiền ra kinh doanh theo phong trào.

Ở Mỹ cũng có phong trào, tuy là không rầm rộ như ở Việt Nam. Những năm gần đây bạn bè của tôi bảo rằng uống hột é giúp người ta tập trung tốt. 

Thế nên tôi thấy giới văn phòng và sinh viên quanh tôi kéo nhau đi ăn hột é. Có người lại ngâm hột é vào chai và mang theo uống thay nước. Tôi thì đã được ăn hột é từ lúc bé thơ, và chẳng thấy khả năng tập trung của mình khá lên chút nào, nên tôi từ chối thẳng thừng.

Rồi cũng ở Mỹ lại có phong trào dùng dầu dừa. Họ nói là dầu dừa ít gây béo hơn các loại chất béo khác. Chỉ biết rằng bây giờ các đồng nghiệp của tôi đang dùng dầu dừa để pha cà phê thay cho kem.

Còn tôi thì nhất quyết không dùng dầu dừa. Chẳng lẽ tôi bảo với họ rằng khi nhỏ nhà tôi trồng dừa, rồi bổ dừa trét tro bếp lên mặt cơm để phơi nắng xuất khẩu? Quả dừa là một thời tuổi thơ gian khó của tôi, chứ không phải là chất giảm béo.

Tóm lại là phong trào cũng chỉ là phong trào. Trước khi làm một thứ gì đó cho giống người khác, ta hãy dừng lại mà suy nghĩ xem vì sao ta lại làm cái việc này. Hơn nữa, liệu vài năm sau ta có lắc đầu về cái phong trào ngớ ngẩn ngày xưa hay không?

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.