- Tham gia Hội thảo có các chuyên gia và giảng viên đầu ngành về giáo dục nghệ thuật.
Nhạc và Vẽ học kiểu "cưỡi ngựa xem hoa"
Các diễn giả tham gia hội thảo đều nhất trí ngay từ đầu rằng: Việc dạy nhạc và vẽ ở các trường vẫn mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”. Hơn nữa, các môn nghệ thuật chỉ tập trung từ lớp 1 đến lớp 9, bỏ ngỏ hai cấp mẫu giáo và trung học phổ thông.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Ủy viên Thường vụ Hội nhạc sĩ Việt Nam - đánh giá: “Giáo trình âm nhạc đóng khung, cố định cho tất cả các vùng miền khác nhau. Học hát vẫn gần như là hình thức duy nhất. Phương pháp dạy học mang tính một chiều, ít đòi hỏi sáng tạo ở cả thầy lẫn trò. Phương pháp dạy học cũ kỹ này có thể làm hỏng nhiều thế hệ học trò”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đóng góp thêm: “Tuy sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 9 đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng vẫn mắc phải những lỗi như chính tả, ảnh bìa, ảnh minh họa, trích dẫn... Nhiều chi tiết trong bài giảng chưa chính xác hoặc thiếu. Nội dung cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Việt Nam có tới 9 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, nhưng sách giáo khoa lại tuyệt nhiên không nhắc tới. Số lượng bài hát dân ca trong sách ít hơn các bài hát nước ngoài. Đây là điều rất bất hợp lý”.
Môn Mỹ thuật cũng phải đối mặt với những khó khăn to lớn. Giáo viên mỹ thuật đa số vẫn còn non yếu về trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Sách giáo khoa cũng chưa phù hợp với xu thế phát triền mới của giáo dục. Hoạt động giảng dạy chủ yếu là thực hành trên những khuôn giấy nhỏ, vẽ theo mẫu… hạn chế khả năng sáng tạo, quan sát của học sinh.
“Điều này gây ra sự ức chế, học mang tính đối phó của học sinh”- Thạc sĩ Nguyễn Quang Hải - Trưởng khoa Sư phạm Mỹ thuật, ĐHSPNTTW - chia sẻ.
Thời lượng các môn nghệ thuật cũng quá ít, 35 tiết/năm cho mỗi môn. Với thời lượng này, các kiến thức chỉ kịp lướt qua trong đầu các em học sinh, sau đó thì biến mất ngay.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường phân tích về sách giáo khoa âm nhạc |
Tâm huyết, sáng tạo cho đổi mới giáo dục nghệ thuật
Đối mặt với những khó khăn trên, các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã đề xuất những giải pháp rất thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường và Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cùng tán thành ý tưởng: Hãy tạo ra một giáo trình âm nhạc mở: bên cạnh những bài hát được chọn làm khung mẫu, nên để cho các địa phương thêm vào các bài hát cổ truyền của riêng quê mình, nhất là các vùng miền có làn điệu dân ca phát triển.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã đưa ra ví dụ thành công của tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh này đã đưa Dân ca quan họ vào chương trình theo hình thức học ngoại khóa. Đến nay, Bắc Ninh có hơn 50 Câu lạc bộ hát dân ca quan họ, 329 làng quan họ thực hành và 44 làng quan họ gốc.
Nhạc sĩ Hà Hải đưa ra đề xuất: Các trường sư phạm nghệ thuật có thể phát hành các tập sách về các bài hát, đi kèm trong đó là đĩa CD thu lại các bài hát có hình ảnh đẹp, phối khí hấp dẫn. Như vậy các em học sinh sẽ dễ dàng cảm nhận âm nhạc hơn.
Nhạc sĩ - Họa sĩ Trần Ngọc đưa sáng kiến khuyến khích các nghệ sĩ đến dạy miễn phí ở các trường phổ thông, với mục đích bồi dưỡng các kiến thức sư phạm và chuyên môn cho các giáo viên ở đây.
Ngoài ra, các diễn giả cũng nêu ra các giải pháp khác như: Học qua trải nghiệm bằng cách đến trực tiếp các trung tâm mỹ thuật để học sinh thực sự cảm nhận được vẻ đẹp, hay các trường lập ra các lớp năng khiếu dựa vào sở thích của các học sinh, các giáo viên phổ thông tham gia vào quá trình biên soạn giáo trình cùng các chuyên gia của Bộ và các trường đại học để đảm bảo tính phù hợp cho mọi lứa tuổi…
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, đã nhắn nhủ tại hội thảo: Các nhạc sĩ phải thay đổi cách tiếp cận. Các giai điệu “ê a” ngày xưa giờ đã không phù hợp. Các nhạc sĩ phải tự thay đổi mình theo thời đại.
Lắng nghe những phân tích, chia sẻ tại Hội thảo, TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) rất hoan nghênh các ý kiến từ các chuyên gia. Ông cho biết, các ý kiến này sẽ được tập hợp và trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để bàn bạc và áp dụng trong thời gian tới.