Nhưng làm cách nào bạn biết rằng nửa kia thực sự là nửa "tương thích" với mình?
Trên thực tế, đó không chỉ là vấn đề cảm tính mà có cả yếu tố khoa học tâm lý hẳn hoi. Theo chuyên gia tâm lý Peter Pearson, nhà trị liệu các cặp đôi kiêm đồng sáng lập Viện Menlo Park, California thì có ba yếu tố hòa hợp đặc biệt ở các cặp đôi hạnh phúc.
"Sự hấp dẫn không phải là tất cả, những nếu không hấp dẫn lẫn nhau thì quan hệ giữa 2 người sẽ có rắc rối lớn. Thật khó để vun đắp đam mê nếu ngay từ đầu tình cảm đã ở mức thấp.
Nếu tôi có thể tìm ra cách phát triển đam mê từ con số 0, chắc tôi đã giàu hơn cả Bill gates rồi", Pearson nhún vai.
Nhưng không đơn thuần chỉ là hấp dẫn về mặt giới tính và tình dục. Sự hấp dẫn xã hội cũng giữ vai trò rất quan trọng - đây là thuật ngữ để chỉ cảm nhận của bạn khi bạn ở cùng với một ai đó.
Theo kinh nghiệm của Pearson, khi người ta ngoại tình thì không chỉ xuất phát từ dục vọng đơn thuần, mà nó còn là cảm giác mới mẻ, hồi hộp khi họ ở cùng với một "đối tượng khác" nữa.
Ngay từ thập niên 50 và 60, nhà tâm lý học Canada Eric Berne đã nghiên cứu về cái gọi là "cảm xúc" này và phát triển nên một mô hình "phân tích tương tác", cố gắng chỉ ra cách hai người đang có quan hệ sẽ tương tác với nhau như thế nào.
Cuốn sách có tựa đề "Trò chơi giữa người và người" này cực kỳ ăn khách, lập luận rằng mỗi con người đều có 3 trạng thái "cái tôi", trong đó: Phụ huynh ám chỉ những điều bạn được dạy bảo; "đứa trẻ" ám chỉ những gì bạn cảm thấy và "người lớn" ám chỉ những điều bạn đã chiêm nghiệm được.
Khi hai người thực sự tương thích với nhau, họ sẽ kết nối với nhau cực kỳ chặt chẽ. Để hình dung về mức độ tương thích, hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Phụ huynh: Hai bạn có chung những giá trị và niềm tin về thế giới không?
- Đứa trẻ: Hai bạn có cảm thấy vui vẻ khi ở bên nhau? Có ngẫu hứng không? Có thấy bạn tình của mình hấp dẫn không? Hai người có thích du lịch cùng nhau không?
- Người lớn: Bạn có cho rằng nửa kia của mình thông minh và ngược lại? Hai người có giỏi cùng nhau giải quyết vấn đề không?
Tất nhiên, sự tương tác hai chiều đối xứng ở cả 3 trạng thái là lý tưởng nhất, nhưng hầu như điều đó không tồn tại trong thực tế. Các cá nhân thường có xu hướng bù trừ cho nhau, nếu như một người vui vẻ, ưa mạo hiểm thì người kia thường sống trách nhiệm và chín chắn.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi một người cảm thấy mệt mỏi vì phải bù trừ quá nhiều cho người kia? Các cặp đôi sẽ trải qua quá trình "khác biệt hóa", Pearson cho biết.
"Họ sẽ nhận ra thực tế rằng mình là hai cá thể hoàn toàn khác biệt. Nửa kia rất khác với những gì bạn nghĩ về họ hoặc muốn họ như vậy. Hai người cũng có sở thích, ý tưởng, mối quan tâm và cảm xúc khác nhau".
Để các cặp đôi có thể vượt qua được giai đoạn "khác biệt" này và duy trì sự tương thích với nhau, bí quyết thành công bí mật chính là... cố gắng. Cả hai bên đều phải nỗ lực vun đắp, cải thiện mối quan hệ.
Và cuối cùng, chính là cách bạn nghĩ về nhau. "Nếu như nửa kia của bạn phải đi công tác trong vài ngày, và bạn bắt gặp đôi giày, chiếc khăn hay quần áo của họ vương lại trên đất.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bực bội vì phải nhặt đống đồ đó lên hay mỉm cười vì những ký ức hạnh phúc?" Câu trả lời sẽ nói với bạn rất nhiều điều về quan hệ hai người đấy.