Tạm dừng tham quan vịnh Hạ Long: Tàu “nín thở” nằm bờ, nhân viên “cầm hơi” vì đại cục

Tạm dừng tham quan vịnh Hạ Long: Tàu “nín thở” nằm bờ, nhân viên “cầm hơi” vì đại cục

Trước diễn biến khó lường của dịch, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm dừng đón khách tham quan trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các đảo du lịch ở Cô Tô, Vân Đồn cũng như các di tích lịch sử, danh thắng từ 12 giờ ngày 12/3/2020 đến hết ngày 26/3/2020. Không cấp hoạt động cho tàu lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.

Sau lệnh “đóng cửa vịnh”, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu vắng lặng. Hàng trăm tàu đưa đón khách nằm bờ. Trên các cung đường trong khu du lịch Tuần Châu thưa thớt người qua lại. Khách đến với Tuần Châu lúc này chủ yếu là thủ thủy, công nhân, người phục vụ được giao trọng trách trông coi tàu. Vài chiếc taxi đóng lốt, nằm chờ phục vụ thủy thủ, khách quen. Nhiều nhà hàng trong khu du lịch Tuần Châu treo biển không phục vụ khách vì dịch bệnh.

Thay vì cảnh bận rộn đưa đón khách, anh Lê Công Đại (40 tuổi, quê Đông Triều) thợ máy tàu B.T 36 đang “đủng đỉnh” sửa lại bộ lưới để chuẩn bị đi đánh cá. Anh Đại tâm sự, đã nhiều năm làm việc trên tàu, quen cảnh đưa đón khách tấp nập. Giờ tàu nằm bờ, khách không có để phục vụ anh cảm thấy buồn và tự nghĩ ra trò “tiêu khiển” qua ngày bằng cách giăng lưới đánh cá.

Tạm dừng tham quan vịnh Hạ Long: Tàu “nín thở” nằm bờ, nhân viên “cầm hơi” vì đại cục ảnh 1
Anh Minh không đón được khách, đành mang cần ra câu cá.

Thông thường, tàu của anh Đại đưa đón khách nước ngoài tham quan trên vịnh. Ngày thường, tàu chạy hai chuyến với sức chứa 48 khách. Công việc mang lại cho anh Đại thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh khiến khoản thu nhập của anh giảm mạnh. Để tiết kiệm chi tiêu, anh ít về quê, tăng cường tự cấp bằng việc mang lưới đi đánh cá.

Anh Nguyễn Văn Dũng (34 tuổi, phường Tuần Châu, TP Hạ Long) đã 4 năm lái xe taxi tại khu du lịch Tuần Châu. Mùa du lịch, thu nhập của anh được khoảng 20 triệu/tháng. Từ khi “đóng cửa vịnh”, không chỉ nhân viên phục vụ tàu “ngồi chơi, xơi nước” mà đội lái xe taxi như anh Dũng cũng không có việc làm.

Khách ế, âu tàu vắng tanh, anh Dũng và một số đồng nghiệp rủ nhau mang cần ra câu cá giải trí. Anh Dũng tâm sự: “Dịch bệnh nguy hiểm, dừng tham quan vịnh là đúng. Dù bọn em gặp khó khăn, nhưng sẽ cố gắng cầm hơi, mình còn làm ăn lâu dài”.

Anh Phạm Đăng Minh (42 tuổi, phường Hùng Thắng) có hai tàu đưa đón khách tham quan vịnh Hạ Long. Từ năm 2008, để đầu tư tàu du lịch, anh Minh phải vay từ bạn bè, người thân và nợ ngân hàng 4 tỷ đồng. Dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày anh phải bù lỗ lớn để trả lãi ngân hàng, chi phí lương công nhân.

Anh Minh cho biết, mỗi tàu của anh có 4 nhân viên ở lại trông. Hai tàu 8 người, lương mỗi người 5 triệu/tháng. Cộng cả lãi ngân hàng, mỗi tháng anh chi phí gần trăm triệu đồng. Khi dịch xảy ra anh cảm thấy hụt hẫng. Kinh tế gia đình lao đao theo dịch bệnh.

Sau một tuần được nghỉ về quê, anh Vũ Văn Long (48 tuổi, quê Quảng Yên), thủy thủ tàu ngủ đêm trở lại tàu trông thay phiên cho đồng nghiệp. Anh Long cho hay, lương của anh được 6 triệu/tháng. Nếu chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng cũng gửi về nhà cho vợ con được 4 triệu. Từ khi tàu nghỉ vì dịch, anh cũng như nhân viên trên tàu chưa nhận được thông báo gì của công ty về việc điều chỉnh lương. Vì tàu nằm bờ, nên người phục vụ tàu cũng nghỉ, các thủy thủ trên tàu tự cấp, tự túc. Anh Long mang gạo, rau, mì từ đất liền lên tàu để chủ động lương thực lúc khó khăn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ