Tổng thống Trump cho biết ngày 9/4 rằng ông đã đơn phương tăng thuế suất thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc lên 125% và áp dụng lệnh tạm dừng trong 90 ngày đối với các mức thuế đối ứng đối với các quốc gia khác.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt sau tin tức trên.
Ông Trump hài lòng với cái mà ông gọi là thị trường "yippy" như một yếu tố trong sự tạm dừng, tận hưởng cái mà ông gọi là ngày lịch sử trên thị trường chứng khoán.
Trước đó cùng ngày, Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 84% và EU đã bỏ phiếu thông qua mức thuế 25% đối với một loạt hàng hóa của Mỹ trị giá khoảng 23 tỷ USD.
Cú sốc với hệ thống tài chính
Trong khi trước đó, Ngân hàng Anh cảnh báo thuế quan toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nguy cơ cho tăng trưởng toàn cầu, gây áp lực lên tài chính của chính phủ và làm tăng khả năng xảy ra "cú sốc nghiêm trọng" đối với hệ thống tài chính.
Ủy ban chính sách tài chính (FPC) của Ngân hàng Anh cho biết môi trường rủi ro toàn cầu của họ đã xấu đi và "sự bất ổn đã gia tăng" kể từ lần cập nhật cuối cùng tháng 11/2024.
Theo đó các thông báo về thuế quan của Mỹ góp phần làm "tăng đáng kể rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu" và mức lạm phát.
Ngân hàng cho biết những lo ngại đó đã làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và làm tăng nguy cơ xảy ra "một đợt điều chỉnh mạnh hơn nữa" trên thị trường tài chính, có thể gây căng thẳng cho các công ty mắc nợ và khiến các chính phủ khó vay tiền và tái cấp vốn cho các khoản nợ của họ hơn.
Ngân hàng Anh cảnh báo lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn - về cơ bản là lãi suất mà các quốc gia phải trả cho khoản nợ của mình - sẽ "làm giảm khả năng ứng phó với các cú sốc trong tương lai".
Trái phiếu chính phủ, gồm cả trái phiếu kho bạc Mỹ vốn là nơi trú ẩn an toàn theo truyền thống, đã trải qua đợt bán tháo kể từ khi ông Trump công bố mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ cuối tuần qua.
Điều này đã tăng tốc ngày 9/4 sau khi ông Trump công bố một đợt thuế quan mới đối với hàng chục quốc gia.
Tác động lên thương mại toàn cầu
Mỹ đã đưa ra một loạt các thông báo về thuế quan ngày 2/4 và một số chính phủ đã phản ứng bằng thông báo về thuế quan của riêng họ. Điều này đã góp phần làm tăng đáng kể rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu và làm suy yếu triển vọng trung tâm, cũng như làm tăng sự bất ổn về triển vọng lạm phát trên toàn cầu.
Các bình luận trên được đưa ra khi Thủ tướng Anh, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves và Bộ trưởng Kinh tế Emma Reynolds gặp gỡ các giám đốc điều hành của các ngân hàng, công ty quản lý tài sản và công ty đầu tư hàng đầu của Anh sáng 9/4.
Bà Reeves đã nói với họ rằng bà cam kết giảm rào cản thương mại và "theo đuổi thỏa thuận tốt nhất với Mỹ vì lợi ích quốc gia của chúng ta", Bộ Tài chính cho biết.
Cảnh báo của FPC được Phó Thống đốc Ngân hàng Anh Clare Lombardelli nhắc lại, người đã cảnh báo rằng thuế quan sẽ làm giảm hoạt động kinh tế, đã làm gia tăng sự bất ổn và ảnh hưởng đến giá tài sản.
Trong khi đó, José Luis Escrivá, Thống đốc Ngân hàng Tây Ban Nha và là thành viên hội đồng quản lý của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đã cảnh báo thuế quan đang gây ra "cú sốc tiêu cực rất đáng kể đối với hoạt động kinh tế".
Ngân hàng đầu tư JP Morgan tin rằng có 60% khả năng nền kinh tế thế giới sẽ suy thoái vào cuối năm, trong khi cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do Financial Times công bố cho thấy Vương quốc Anh dự kiến chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, giảm so với mức 1,2% dự kiến vào tháng 1.
Bộ trưởng tài chính Đức, Jörg Kukies, cho biết ngày 9/4 rằng nền kinh tế của nước này có nguy cơ suy thoái lần nữa do căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, ngày 9/4, Ngân hàng Anh đã cố gắng xoa dịu một số nỗi lo ngại, nhấn mạnh rằng thị trường tài chính đang hoạt động theo cách có trật tự và hệ thống ngân hàng Vương quốc Anh vẫn kiên cường.
Ủy ban chính sách tài chính cho biết họ sẽ theo dõi diễn biến và "sẵn sàng" cung cấp thêm hỗ trợ nếu cần, gồm việc thay đổi quy mô quỹ dự phòng được gọi là đệm vốn phản chu kỳ.
Hiện tại, các ngân hàng được yêu cầu phải giữ một khoản đệm tương đương khoảng 2% tài sản rủi ro trên bảng cân đối kế toán của mình.
Tỷ lệ đó có thể bị cắt giảm nếu rõ ràng là các ngân hàng đang bắt đầu giữ lại tiền mặt và "hạn chế cho vay nhiều hơn mức được bảo đảm bởi môi trường kinh tế vĩ mô".