Thầy cô dùng thước trước là để gạch chân các đề mục trên bảng lớp cho thẳng hàng, ngay ngắn, thước giúp giáo viên vẽ hình cho chuẩn, giúp thầy cô làm hiệu lệnh khi gõ xuống bàn để các em bắt đầu và kết thúc một hoạt động học tập nào đó.
Thước còn giúp thầy cô ổn định trật tự khi các em ồn. Chỉ một tiếng cốc gõ trên bàn vang lên, lớp học đang ồn ào náo nhiệt lập tức im lặng như tờ trong phút chốc.
Biết bao mặt lợi mà thước đem lại. Bên cạnh đó, thước cũng là tác nhân “tiếp tay” cho những cơn nóng giận của thầy cô “thăng hoa”. Thước có sức mạnh gấp nhiều lần lời thầy cô nói.
Học trò nào mắc lỗi, chỉ cần thầy cô nhấp nhứ cây thước trong tay thì “hồn bay phách lạc”. Có thầy cô biết kìm nén cơn nóng giận, khi trò mắc lỗi chỉ phạt nhẹ vài roi vào mông để răn đe.
Trò viết bài nguệch ngoạc, phạt một roi vào tay để nhớ. Nhưng đôi khi “cả giận mất khôn” vung thước lên để xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc, điển hình vụ ở Sóc Trăng, thầy giáo dùng thước đánh bầm mông nhiều học trò trong lớp gây thương tích nặng. Hay một cô giáo ở Sài Gòn dùng thước đánh học sinh bị động kinh gây nên cái chết của nữ sinh lớp 6...
Vì lẽ đó, thước đã trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh của nhiều em học sinh chưa ngoan, chưa chăm học. Cũng có em dù chưa bị thầy cô phạt bằng thước lần nào nhưng trông thấy thầy cô cầm thước trên tay cũng đã thấy hoảng sợ.
Một học sinh gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ. Sáu tuổi em trở về Việt Nam học lớp 1 ở ngay trường tôi. Qua vài tuần học ở quê hương, cô bé Kỳ Duyên phát biểu một câu làm thầy cô giáo nào cũng suy nghĩ: “Cô giáo Việt Nam dữ quá, cô giáo Mỹ hiền hơn”.
Nghe trò nói, cô chủ nhiệm nhanh lời: “Em chưa phạt nó roi nào đâu đấy”. Tò mò, nhiều giáo viên xúm vào hỏi bé: “Vì sao con lại nhận xét như vậy?”. Bé hồn nhiên trả lời: “Ở Mỹ nếu mắc lỗi, cô giáo bắt úp mặt vào tường. Còn ở đây, cô cứ cầm cây thước dứ dứ, con sợ lắm”.
Từ vài năm nay, các trường tiểu học quê tôi nghiêm cấm giáo viên mang thước vào lớp. Nhiều trường đã trao đổi, bàn bạc vật dùng thay thế cho cây thước để giúp giáo viên làm hiệu lệnh khi dạy học. Và cái xúc xắc được mọi người đề xuất nhiều nhất.
Thế là, cái xúc xắc chính thức được thay thế cho cây thước kẻ đã từng là vật “bất li thân” của nhiều thầy cô giáo. Sự hoán đổi này được kỳ vọng không còn bạo lực nơi trường học, góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm thân thiện hơn.
Theo suy nghĩ chủ quan của bản thân, sự thay đổi này chỉ mang ý nghĩa về hình thức, liệu có đạt được kỳ vọng mà nhiều người đang hướng tới?
Nếu như thầy cô giáo không kìm nén được cơn nóng giận, không có thước thầy cô sẽ dùng đến những thứ khác để phạt trò mà hiệu quả không thua kém dùng thước là bao, nhẹ thì ném phấn, nặng hơn thì xách tai, tát má, gõ đầu...
Thay đổi một hình thức thì dễ, thay đổi những suy nghĩ, nhận thức mới là điều khó. Nếu ai đó vẫn còn mang nặng tư tưởng: “Thương cho roi cho vọt”, nếu giáo dục các em mà không bằng lòng yêu thương, bằng sự tận tâm, tận tình giống như cha mẹ thì dù cây thước hay là cái xúc xắc cũng có gì là khác nhau.