Tại sao pin Lithium-ion hay cháy nổ?

Việc Samsung phải đổi 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 là sự cố mới nhất liên quan đến pin lithium-ion, nguồn cung cấp năng lượng phổ biến nhất trên các thiết bị di động hiện nay.

Tại sao pin Lithium-ion hay cháy nổ?

Pin lithium-ion là những viên pin gọn nhẹ chứa các phân tử lithium-ion di chuyển giữa điện cực âm và dương. Ưu điểm của chúng là không chiếm nhiều diện tích, sạc nhanh và có thể nạp nhiều lần mà không lo bị chai pin.

Nhờ đó, lithium-ion được đưa vào trong hàng loạt sản phẩm khác nhau như smartphone, tablet, laptop, ôtô điện, máy bay và cả thuốc lá điện tử.

Vậy vấn đề lớn nhất của chúng là gì? Để đảm bảo các phân tử lithium-ion có thể di chuyển dễ dàng giữa hai điện cực, các hợp chất dễ cháy và dễ bay hơi đã được nén bên trong viên pin. Khi sạc, pin sản sinh nhiệt và nếu lượng nhiệt này không được kiểm soát một cách hợp lý, nó có thể khiến hợp chất bên trong bắt lửa, thậm chí phát nổ. Những hợp chất này cũng trở nên bất ổn nếu có gì đó tác động vào viên pin.

Trong trường hợp của Galaxy Note 7, một thành phần của pin có thể đã được tính toán chưa chuẩn, gây áp lực lên hợp chất khiến một số viên pin bị quá nhiệt trong quá trình sạc. Ngay khi phát hiện lỗi pin, Samsung tuyên bố sẽ thay thế điện thoại cho khách hàng ở 10 nước mà Galaxy Note 7 được bán ra. Thời gian thay thế có thể kéo dài hơn 2 tuần.

Không chỉ Samsung, rất nhiều hãng khác cũng từng gặp rắc rối với loại pin này. Một trong những trường hợp lớn nhất là vào năm 2013, dòng 787 Dreamliner của Boeing phải ngừng hoạt động sau khi một máy bay này bốc cháy ở Boston (Mỹ).

Nguyên nhân là do một trong tám viên pin lithium-ion bị đoản mạch, dẫn tới sự cố pin tăng nhiệt không thể kiểm soát nổi và truyền nhiệt sang viên pin nằm cạnh đó. Cũng trong năm đó, pin trong xe điện Tesla cũng bị kiểm tra hàng loạt sau hai vụ cháy.

Tháng 5/2016, Bộ Giao thông Mỹ cấm sử dụng thuốc lá điện tử dùng pin trên máy bay. Đến tháng 7, hơn nửa triệu xe cân bằng dạng ván trượt (hoverboard) bị thu hồi sau khi có khoảng hơn 60 vụ bắt lửa xảy ra.

Pin lithium-ion không an toàn, sao các hãng vẫn tiếp tục sử dụng? Một thực tế đáng buồn là công nghệ pin đã giậm chân tại chỗ trong nhiều năm do bất cứ phát minh mới nào cũng phải vượt qua được quá trình kiểm tra độ an toàn gắt gao.

Dù có những sự cố, nhìn chung không thể phủ nhận lithium-ion vẫn nằm trong mức an toàn với người dùng, lại có chi phí sản xuất rẻ. Các trường hợp cháy nổ thực ra chiếm tỷ lệ rất nhỏ nếu so với số lượng có mặt của pin trong các thiết bị được tiêu thụ mỗi năm.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.