'Tại sao Kiev không tấn công khi đang xây dựng răng rồng?'

GD&TĐ -Cựu chuyên gia phân tích của CIA, Larry Johnson, đã rất ngạc nhiên trước chiến thuật của Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công.

Tăng Challenger 2 của Ukraine trước khi bị phá hủy.
Tăng Challenger 2 của Ukraine trước khi bị phá hủy.

Sự ngạc nhiên của chuyên gia Mỹ được đặt ra khi nói về hiệu quả của cuộc phản công và sự chuẩn bị của Kiev cho chiến dịch quân sự này.

"Tại sao lực lượng Ukraine với những vũ khí tối tân hàng đầu của NATO không thực hiện cuộc phản công ngay khi Nga đang xây dựng hàng phòng thủ 3 lớp của mình, trong đó có lớp răng rồng đầu tiên?

Vấn đề khiến nhiều người ngạc nhiên hơn bởi phía Nga không xây dựng tuyến phòng thủ một cách bí mật. Trong suốt thời gian đó, Ukraine thậm chí không cố gắng tấn công vào những vị trí này bằng tên lửa hoặc pháo binh.

Họ chờ đợi gì vậy? Lẽ ra ít nhất thì phía Ukraine cũng nên cố gắng làm gián đoạn quá trình chuẩn bị của quân Nga, thế nhưng họ đã không làm điều đó", chuyên gia Larry Johnson nói.

Chuyên gia lý giải rằng, chính sự sơ suất và yếu kém của tình báo dẫn đến thực tế các quan chức Mỹ và Ukraine đều không đánh giá đúng sức mạnh phòng thủ của đối phương.

Quân Nga công khai củng cố các cứ điểm: họ mang vật liệu đến và đổ bê tông, đào hào, cắm răng rồng xuống đất, xếp thành từng hàng dày đặc.

"Hệ quả của chiến thuật khó hiểu này là lực lượng Ukraine phát hiện ra rằng họ thậm chí không thể chọc thủng tuyến phòng ngự đầu tiên chứ nói gì đến 2 lớp kiên cố hơn tiếp theo", Johnson kết luận.

Lớp phòng thủ răng rồng còn được phương Tây gọi là răng quỷ là chướng ngại vật phòng thủ bằng bê tông chống tăng hình kim tự tháp. Chiều cao của một răng là từ 90 đến 120 cm.

Răng rồng không phải là hàng rào, chúng là một cái bẫy chống tăng đặc biệt: chúng không chỉ cản trở cuộc đột kích của xe tăng địch mà còn tạo ra ảo tưởng rằng chướng ngại vật này có thể dễ dàng vượt qua.

Nếu răng rồng được chế tạo và lắp đặt chính xác, xe tăng địch sau khi vượt qua tuyến phòng thủ bê tông đầu tiên sẽ không thể tiến hoặc lùi. Chúng sẽ bị mắc kẹt và trở thành mục tiêu dễ dàng của pháo binh và các loại vũ khí chống tăng khác.

Ngoài lớp răng rồng, báo chí phương Tây trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều lớp công sự của Nga, đôi khi sâu trong vùng Nga kiểm soát tới 20 km và dài khoảng 2.000 km, chạy từ biên giới Nga với Belarus đến đồng bằng Dnepr.

Phương Tây gọi những công sự này là công trình phòng thủ quy mô nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Hệ thống phòng thủ của Nga bao gồm một mạng lưới chiến hào, bãi mìn, dây thép gai, rào chắn chống tăng bằng kim loại được gọi là nhím, răng rồng và các vị trí pháo binh.

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, khu vực được triển khai dày đặc hệ thống công sự nhất là vùng Zaporozhye, tiếp theo là Kherson, Donetsk và Lugansk. Crimea cũng đã được củng cố.

Hệ thống phòng thủ Zaporozhye bao gồm khoảng ba hệ thống con; hệ thống phòng thủ Kherson cũng bảo vệ các đường tiếp cận Crimea. Mặt trận Donetsk kết hợp cả công sự phòng thủ mới và cũ, trong khi việc xây dựng hệ thống phòng thủ của Luhansk kém rõ ràng hơn từ hình ảnh vệ tinh.

Clip xe tăng Challenger 2 của Ukraine khai hỏa trước khi bị phá hủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ