(GD&TĐ) - * Hỏi: Chồng tôi trong quá trình đi công tác không may bị tại nạn. Theo biên bản giám định thương tật tỷ lệ 23%. Sau khi bình phục, chồng tôi xin đi làm hợp đồng ở một trường THPT và nay là giáo viên môn vật lý. Vậy theo quy định của Nhà nước có được bồi thường tai nạn lao động không, vì hiện nay chồng tôi vẫn chưa được với lý do là: Tai nạn lao động do lỗi chủ quan – Phạm Thị Oanh - Bến Tre (phamoanhbt@gmail.com).
Ảnh có tính chất minh họa |
* Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 107, Bộ luật Lao động và điểm 1, khoản 4 điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định:
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp:
a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi trực tiếp của người lao động thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% đến dưới 81% thì cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) mà không do lỗi của người lao động. Trường hợp do lỗi của người lao động, thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường đã quy định theo các tỷ lệ tương ứng nêu trên.
c) Tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường theo mục a, b của khoản 1 Điều 11 là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi được xác định bị bệnh nghề nghiệp, gồm lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có) theo quy định hiện hành của Chính phủ.
Trường hợp thời gian làm việc không đủ để tính tiền lương theo hợp đồng bình quân của 6 tháng liền kề, thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề hoặc tiền lương theo hình thức trả lương tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để tính bồi thường, trợ cấp tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, với quy định trên, thì chồng của chị Oanh đủ điều kiện được hưởng phụ cấp do tai nạn lao động. Trường hợp tai nạn do lỗi trực tiếp của chồng chị thì được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
GD&TĐ Online