Tài hoa Huỳnh Văn Thuận

GD&TĐ - Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (1921 - 2017) để lại dấu ấn tài hoa trên các tác phẩm mỹ thuật, dù đó là tranh cổ động hay những tranh sơn khắc.

Tác phẩm “Thôn Vĩnh Mốc” (sơn khắc, 1958).
Tác phẩm “Thôn Vĩnh Mốc” (sơn khắc, 1958).

Năm 1950, ông vẽ mẫu Huy hiệu Đoàn và được Bác Hồ chọn để sử dụng cho đến nay.

Nổi danh cùng tranh sơn khắc và cổ động

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận sinh năm 1921 - một trong số rất ít họa sĩ được học và tốt nghiệp cả hai trường mỹ thuật danh giá là Trường vẽ Gia Định (thành lập năm 1913 ở miền Nam) và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1925 ở miền Bắc).

Nhắc tới Huỳnh Văn Thuận, người ta nhớ tới một trong những họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, luôn được bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao.

Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động chất lượng tốt trong thời kỳ kháng chiến, góp phần vào thành tựu của nền mĩ thuật Việt Nam. Đặc biệt là bức tranh sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” rất nổi tiếng, được giới nhà nghề luôn nhắc tới như một “cột mốc” sáng tạo của thể loại này.

Tác phẩm được họa sĩ hoàn thành năm 1958, đoạt giải Nhất của cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958. Ông khắc kỹ lưỡng cả một làng chài ven biển với nhiều nóc nhà tranh, cây cối, cổng chào, rất nhiều nhân vật, thuyền bè, chài lưới, giàn bí, khung cửi, cối xay lúa, cờ đỏ sao vàng…

Nhưng giá trị còn hơn thế nữa, bức tranh này toát lên sức sống phơi phới của một miền quê với tâm hồn dân dã nồng hậu, trong sáng.

Bên cạnh đó, ông còn có nhiều bức tranh sơn khắc đến nay vừa có giá trị lịch sử vừa đong đầy cảm xúc: “Làm sạch thóc nộp kho” (1981), “Ngày mùa ở Vĩnh Kim” (1960 - 1997), “Vết xích xe tăng giặc” (1998), “Kéo bừa thay trâu” (1954 - 2016)…

Theo giới nghiên cứu mỹ thuật, trước Huỳnh Văn Thuận, ở Việt Nam chưa có ai thành công đến thế về tranh sơn khắc.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận còn được nhiều người nhớ tới với những bức tranh cổ động.

Những tư liệu gia đình họa sĩ lưu giữ lại cho thấy, ông vẽ tranh cổ động từ năm 1946 đến trước lúc về miền mây trắng (năm 2017), nhiều bức đã trở thành tiêu biểu cho thể loại này: “Trần Thị Tâm bám đất, bám dân, dũng cảm kiên cường”; “Việt Nam trường tồn, Hồ Chí Minh sống mãi”; “Độc lập Tự do” và 2 bức không lời về bảo vệ hòa bình (bức đầu vẽ đôi cánh tay lực lưỡng - một dìm quả bom xuống, một nâng bổng con chim bồ câu, bức sau vẽ bàn tay chặn quả bom và trên tay đậu con chim hòa bình)…

Ngoài ra, ông cũng còn để lại dấu ấn của mình ở trên những cánh tem thư…

Tại triển lãm “Huỳnh Văn Thuận - Trăm mùa sen nở” diễn ra cách đây ít lâu, người ta còn nhận ra một Huỳnh Văn Thuận khác, đó là một người lao động cần mẫn, ghi chép lại nhiều hình ảnh của đời sống. Nếu các nhà văn thường ghi nhật ký, thì họa sĩ Huỳnh Văn Thuận miệt mài vẽ ký họa.

Anh Huỳnh Lê Tuấn - con trai họa sĩ quả quyết rằng, để có được nhiều thành công ở các thể loại khác nhau, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã rất cần mẫn trong lao động nghệ thuật với mảng tranh ký họa. Ông chủ yếu ký họa bằng bút chì, một số ít là mực nho, thuốc nước…

Những bức ký họa về những cảnh, những người ông đã gặp trong những nơi đã đi qua, đã sống, lao động và chiến đấu. Ở đó, người ta có thể thấy lại không khí của cuộc kháng chiến chống Pháp, thấy lại địa đạo Vĩnh Linh, đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ…

Những ký họa chân dung con người bình dị, đó có thể là anh vệ quốc đoàn, là anh bộ đội, nữ dân quân hay những các lão nông, các mế gặp ven đường… Có thể nói, cùng với những tác phẩm sơn khắc, tranh cổ động, thì mảng ký họa đã góp phần định vị tên tuổi họa sĩ Huỳnh Văn Thuận trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Một nhân cách nghệ sĩ chân chính

Tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã được Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc: Giải Nhất năm 1958; Giải Nhì năm 1960 và năm 1990; Giải thưởng toàn bộ tác phẩm năm 1981; Giải A Triển lãm 10 năm Nghệ thuật Đồ họa Toàn quốc năm 1985; Giải thưởng Triển lãm Tranh cổ động toàn quốc: Giải A năm 1987, giải Nhì năm 1995; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội; Giải tặng thưởng khu vực I (Hà Nội) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1998; Giải Nhất Tranh cổ động toàn quốc và biểu tượng phòng chống AIDS năm 1992.
Năm 2001, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận sinh ra trong một gia đình không có ai theo đuổi hội họa. Ông quê ở xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, nay là quận Bình Thạnh, TPHCM.

Tuổi 15, Huỳnh Văn Thuận thi đỗ vào Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, sau 3 năm học tập và tốt nghiệp, ông thi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVIII (1939 - 1944).

Trong thời gian học tập, ông đã có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm như: “Buổi sớm ở Hàng Xanh” (Gia Định cũ) (1940); “Thành Huế” (1943) đạt giải Nhất Salon Unique.

Tháng 10/1944 tham gia phong trào sinh viên yêu nước tại Việt Nam học xã và cướp trại Bảo An binh Hà Nội ngày 19/8/1945. Năm 1946, ông về công tác tại Phòng Thông tin Hà Nội, sáng tác tranh cổ động tham gia triển lãm tranh cổ động đầu tiên dưới chế độ mới.

Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cùng với các nghệ sĩ khác lên chiến khu Việt Bắc. Tháng 2/1947, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam).

Đến năm 1950, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Bắc, đi phục vụ chiến dịch giải phóng biên giới. Năm 1951, ông vẽ mẫu Huy hiệu Đoàn được Bác Hồ chọn làm huy hiệu chính thức cho Đoàn Thanh niên, sử dụng đến ngày nay.

Ngày 10/10/1954, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, rồi sau đó được phân công làm việc ở Ban Mỹ thuật Hội Văn nghệ Việt Nam.

Việc đầu tiên ông dành tâm huyết, miệt mài hoàn thành là bức tranh chân dung Bác Hồ cỡ lớn để treo trước Nhà hát lớn Hà Nội ngay những ngày đầu giải phóng Thủ đô.

Tranh cổ động của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (bột màu, 1967).

Tranh cổ động của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (bột màu, 1967).

Từ năm 1956, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cùng nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc chuẩn bị cho Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã được tổ chức từ ngày 26 - 29/3/1957.

Là một trong số 123 hội viên đầu tiên, tại Đại hội, ông được bầu vào Ban Chấp hành khóa I (1957 - 1983). Từ năm 1958, ông được Ban Chấp hành bầu làm Phó tổng Thư kí và Phó Bí thư Đảng Đoàn của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Dù sinh ra ở mảnh đất Gia Định xưa, nhưng cuộc đời của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận lại gắn bó với Hà Nội. Có thể nói ông gắn bó với Hà Nội từ tuổi 20 sôi nổi, mảnh đất ngàn năm văn hiến ông đã sống, làm việc và vẽ nhiều tác phẩm làm nên tên tuổi nghệ thuật của mình.

Trước khi mất 2 năm, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận chuyển vào sống cùng cùng con trai tại TPHCM. Những năm cuối đời, ông vẫn có nhiều suy tư, trăn trở cho những tác phẩm mới. Trong ký ức của những người thân trong gia đình, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một người làm việc miệt mài, đầy trách nhiệm.

Cuộc sống và sáng tác của ông là một tấm gương lao động cần mẫn, sáng tạo và đa dạng; một nhân cách của người nghệ sĩ chân chính được giới mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao. Ngày 18/10/2017, họa sĩ lão thành Huỳnh Văn Thuận đã bay về miền mây trắng, hưởng thọ 97 tuổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.