Chiêm ngưỡng những bức tranh cán mốc triệu USD của họa sĩ Việt

GD&TĐ - Dưới đây là những bức tranh cán mốc triệu USD của họa sĩ Việt được giới yêu hội họa săn lùng và yêu thích.

Được dùng để trưng bày, trang trí, tô điểm thêm phong cách của chủ nhân nhưng có những bức tranh có giá lên đến hàng trăm, hàng triệu USD. Đôi khi có những người sẵn sàng chi ra một số tiền khủng chỉ để “săn lùng” những bức tranh độc đáo, thậm chí là trừu tượng, khó hiểu nhằm phục vụ cho sở thích của cá nhân hay một cuộc giao thương nào đó.

Dưới đây là những bức tranh cán mốc triệu USD của họa sĩ Việt được giới yêu hội họa săn lùng và yêu thích:

“Chân dung cô Phượng” của họa sĩ Mai Trung Thứ

Bức tranh "Chân dung cô Phượng" của họa sĩ Mai Trung Thứ.
Bức tranh "Chân dung cô Phượng" của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Mai Trung Thứ hay Mai Thứ (1906-1980) là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại nước Pháp.

Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông. Mai Trung Thứ là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam.

Bức tranh “Chân dung cô Phượng” của họa sĩ Mai Trung Thứ lần đầu được trưng bày tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris và không còn trở lại Việt Nam nữa.

Tối 18/4/2021, kết thúc phiên đấu giá “Beyond Legends: Modern Art Evening Sale (Hơn cả huyền thoại: Đêm nghệ thuật hiện đại) của nhà Sotheby’s, bức tranh “Chân dung cô Phượng” đã được người mua trả giá 3,1 triệu USD, gấp 3 lần giá tiên liệu của nhà đấu giá Sotheby’s.

“Chân dung cô Phượng” trở thành tác phẩm hội họa có giá cao nhất của mỹ thuật Việt Nam từ trước đến nay.

"Khỏa thân" của học sĩ Lê Phổ

Bức tranh "Khỏa thân" của học sĩ Lê Phổ.
Bức tranh "Khỏa thân" của học sĩ Lê Phổ.

Lê Phổ là họa sĩ bậc thầy Việt Nam và trên thế giới theo trường phái hậu ấn tượng với nhiều tác phẩm đắt giá. Ông còn được nhiều người gọi là "Danh họa Việt Nam trên đất Pháp".

Nhiều người khác còn coi ông là "cây đại thụ" trong làng nghệ thuật vẽ tranh Việt Nam. Lê Phổ là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm).

Từ năm 1937, ông sang Pháp và định cư tại đó, và chưa một lần quay trở về quê hương, cho đến khi qua đời năm 2001 tại Paris.

Bức tranh "Khỏa thân" của họa sĩ Lê Phổ được bán vào ngày 26/5/2019 tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong với giá 10.925.000 HKD, tương đương với khoảng 1,4 triệu USD (hơn 32 tỷ đồng).

Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu vào năm 1931, có kích thước 90,5cm x 180,5cm. Trước khi được đưa ra đấu giá, bức tranh thuộc sưu tập của ông Tuấn H. Phạm, một nhà sưu tập gốc Việt sống tại Mỹ.

“Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ

Bức tranh "Đời sống gia đình" của họa sĩ Lê Phổ.
Bức tranh "Đời sống gia đình" của họa sĩ Lê Phổ.

Bức tranh được đấu giá tại Sotheby"s Hong Kong ngày 2/4/2017 với mức giá 1.172.080 USD.

Họa sĩ Lê Phổ vẽ bức tranh này trong khoảng thời gian 1937-1939, với chất liệu gồm mực và bột màu trộn keo trên bố, có kích thước 82cm x 66cm.

"Vỡ mộng" của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Bức tranh "Vỡ mộng" của họa sĩ Tô Ngọc Vân.
Bức tranh "Vỡ mộng" của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Tô Ngọc Vân là một họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, tác giả của một số bức tranh tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông còn có một số bút danh như Tô Tử, Ái Mỹ, TNV. Tô Ngọc Vân là một trong nhóm tứ kiệt của nền hội họa Việt Nam (Trí, Vân, Lân, Cẩn).

Tại phiên đấu giá nhà Christie’s Hong Kong ngày 26/5/2019, bức "Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân được bán với giá 9.125.000 HKD, tương đương 1.162.000 USD (27 tỷ đồng).

Đây là một trong những bức tranh lụa hiếm hoi của danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954), có kích thước 92,5cm x 57cm. Bức tranh được sáng tác từ năm 1932, từng xuất hiện trong triển lãm Arts du Vietnam: La fleur du pêcher et l’oiseau d’azur (Nghệ thuật Việt Nam: Hoa đào và chim xanh) tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, Bỉ, năm 2002.

Theo nhà môi giới nghệ thuật Linh Cao (chủ Gallery 42, Hà Nội) thì bức tranh “Vỡ mộng” đẹp tự thân, nhiều chất Đông Đương, nên dễ tạo sức hút với khách quốc tế.

Tô Ngọc Vân vẽ rất ít tranh lụa, nên tự nó đã thành quý hiếm, cộng với khổ tranh khá lớn, tình trạng bảo quản tốt, xuất xứ rõ ràng, nên càng đáng giá.

Về nghệ thuật, nó có sự đối thoại thầm kín phương Đông giữa hai nhân vật, kiệm lời nhưng nhiều ý. Xét nét thì thấy vẽ chưa thật kỹ lưỡng, nhưng nhìn chung dáng vẻ thần thái đẹp, gam màu ngọt, chuẩn như mong đợi”.

"Em bé cho chim ăn" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Bức tranh "Em bé cho chim ăn" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Bức tranh "Em bé cho chim ăn" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương. Ông được coi là người chiết trung phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông và là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam.

Tên tuổi của ông luôn được những người say mê hội họa nhắc đến với một niềm cảm phục và sự trân trọng đặc biệt.

Bức tranh "Em bé cho chim ăn" của ông đã được bán với giá cao nhất 6.700.000 HKD, tương đương 853.921 USD (gần 20 tỉ đồng) tại phiên đấu giá của nhà Christie"s Hong Kong diễn ra vào tối 27/5/2018.

Bức tranh có kích thước 65cm x 50cm, được họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thể hiện trên chất liệu lụa vào năm 1931. Đây được xem là một trong những tác phẩm đặc sắc của hoạ sĩ diễn tả một em bé đang lớn,  đang trở thành thiếu nữ, ngồi bên chiếc lồng chim, có lẽ ngụ ý về một tương lai gia thất sắp đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ