Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Lộ trình tham vọng và 3 điểm đổi mới chính

GD&TĐ - 3 điểm chính là đổi mới mô hình tăng trưởng về năng suất lao động, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, mỗi nhiệm kỳ 5 năm đều có lộ trình tham vọng để đạt những mục tiêu phát triển lớn.

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng về năng suất lao động. Ảnh minh họa
Cần đổi mới mô hình tăng trưởng về năng suất lao động. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp đóng góp lớn vào tái cấu trúc

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, có nhiều không gian cho doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển xanh cùng Nhà nước.

Việc phát triển xanh và bền vững là định hướng rõ ràng được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng. Quan điểm nhất quán là phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, phát triển bền vững bao gồm phát triển đồng đều cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo về môi trường.

Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có đặt ra nhiều mục tiêu trong thời gian tới trong phát triển nhanh và phát triển bền vững. Ông Huân cho rằng cần lưu ý 3 điểm chính là đổi mới mô hình tăng trưởng về năng suất lao động, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, mỗi nhiệm kỳ 5 năm đều có lộ trình tham vọng để đạt những mục tiêu phát triển lớn.

“Đây là định hướng để các doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy rằng, khi muốn phát triển bền vững phải gắn với sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, chủ trương phát triển xanh là mục tiêu lớn.

Tuy nhiên, nếu không chủ trương phát triển xanh mà chỉ tập trung vào phát triển nhanh, sau đó quay lại giải quyết các hậu quả về môi trường sẽ mang lại những tổn phí lớn. Không chỉ về công sức và thời gian, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình lớn trong tương lai”, ông Huân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần có những chỉ tiêu cần đạt được. Ông Huân chỉ ra, khi hướng đến phát triển xanh, vẫn còn một vài chỉ tiêu còn nhiều vướng mắc về xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, hay xử lý rác thải đúng cách…

Trên thực tế, các hình thức xử lý đốt rác phát điện hay các hình thức công nghệ thân thiện vẫn còn rất ít. Trong khi khối lượng rác thải trung bình một ngày vẫn còn rất lớn và cần nguồn đầu tư lớn cho vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Ecomomica Việt Nam, cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn năm 2010 - 2020 khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ có sự thay đổi lớn.

Ngành nông, lâm, thủy sản dù giá trị gia tăng cao hơn nhưng tỷ trọng thấp hơn. Công nghiệp và xây dựng, xây dựng đóng vai trò cao hơn. Quá trình này có sự đóng góp rất lớn của khu vực doanh nghiệp.

“Có thể nói, doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam không chỉ thể hiện ở cơ cấu GDP, mà còn thể hiện ở sự khác biệt giá trị tăng trưởng của các nền kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng vẫn có những vấn đề mang tính chất cơ cấu đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bình nói.

Phải tạo ra một không gian mới

Về cơ cấu phân bố doanh nghiệp hiện nay, ông Lê Duy Bình thông tin, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong lĩnh vực dịch vụ trong đó tập trung bán buôn, bán lẻ và sửa chữa nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp.

Doanh nghiệp thành lập mới của khối doanh nghiệp này mỗi năm gần 100 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp xây dựng con số này thấp hơn và đến doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mỗi năm chỉ có chưa đến 2.000 doanh nghiệp thành lập.

Ông Bình đặt câu hỏi: “Cơ cấu của doanh nghiệp như vậy đã phù hợp hay chưa? Chúng ta đã quan tâm tới các doanh nghiệp nông nghiệp hay chưa? Cần có biện pháp để phát triển doanh nghiệp ở nông thôn như thế nào để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có vị trí trên trường quốc tế về nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản?”.

Cũng theo ông Bình, đây là vấn đề trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, phải tạo ra một không gian mới trong việc cấu trúc lại nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng ban phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bày tỏ, vấn đề chuyển đổi số của nền kinh tế số hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức. Điều này đặc biệt xảy ra trong quá trình dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Theo ông Minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu hướng chuyển đổi tất yếu. Trong thời gian 10 năm vừa qua, cuộc cách mạng này đã tạo ra bước nhảy rất lớn trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi và kể cả doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy.

Có thể thấy rằng, tuy là động lực nhưng việc giãn cách số giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới ngày càng xa, nếu không có sự cố gắng, nỗ lực đuổi kịp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các rào cản của doanh nghiệp khi chuyển đổi số đó là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, thiếu nền tảng công nghệ chuyển đổi số. Mà theo báo cáo đánh giá của thế giới về Việt Nam, thì còn thiếu tư duy, thiếu ý thức của lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Trong khi dịch bệnh lại càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp khi đứt gãy chuỗi giá trị, không thể kết nối được các hoạt động vận chuyển, thiếu nguyên liệu, thiếu nguồn lực kinh doanh...

“Với các vấn đề nêu trên, chúng ta sẽ thấy, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn có chuyển đổi số hay không chuyển đổi số? Nhưng rõ ràng, người tiêu dùng đã chuyển đổi số xong rồi, đại đa số đã sử dụng các thiết bị điện tử, smartphone, nhất là người trẻ. Cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến phát triển ngày càng nhanh, các sự kiện trên mạng cũng phát triển rất tốt”, ông Minh đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.