Thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế

Thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế

(GD&TD)-Đó là một vấn đề lớn được Chính phủ đưa ra thảo luận tại Phiên họp thường kỳ tháng 11 diễn ra trong 2 ngày 30/11-1/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các thành viên
Các thành viên Chính phủ nhận định: Thời gian tới, cần kiên trì các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra thảo luận tại Phiên họp dự thảo 3 đề án tái cơ cấu kinh tế gồm Đề án tái cơ cấu đầu tư; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Dự thảo Đề án án tái cơ cấu đầu tư đã chỉ rõ định hướng tái cơ cấu đầu tư đối với từng nguồn vốn cụ thể như, nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước; nguồn vốn ODA; nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Các giải pháp đề ra trong Đề án gồm cả giải pháp trước mắt và các giải pháp tái cơ cấu đầu tư trong trung và dài hạn.

Dự thảo Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã nêu rõ sự cần thiết của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và đề ra các nhóm giải pháp thực hiện như Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại, danh mục doanh nghiệp nhà nước để làm căn cứ xác định cơ cấu sở hữu cho từng doanh nghiệp; thực hiện nhất quán, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng Tập đoàn kinh tế nhà nước theo mô hình chuyên sâu, đơn lĩnh vực phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị.

Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng phân tích rõ thực trạng về hoạt động ngân hàng; mục tiêu, định hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dung theo hướng triệt để và toàn diện; đề ra các giải pháp cụ thể trong thực hiện…

Thảo luận các Đề án trên, các thành viên Chính phủ bày tỏ cơ bản đồng tình với nội dung mà các đề án nêu; nhấn mạnh sự cần thiết tập tập trung các nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế; cho rằng đây là những nội dung lớn có mối liên kết chặt chẽ mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện một các toàn diện, đồng bộ ngày từ năm 2012 nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh…

Nhấn mạnh sự cần thiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ý kiến các thành viên Chính phủ đề xuất các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước; tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tăng cường hơn nữa tính kỷ luật tài chính và thực thi pháp luật trong doanh nghiệp nhà nước.

Trong phiên họp này, Chính phủ đã nghe, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2011; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; định hướng phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Đánh giá những kết quả chính về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các thành viên Chính phủ cho rằng, về tiền tệ, tín dụng, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra.

Cụ thể về tiền tệ, tín dụng, ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát và từng bước giảm dần tốc độ tăng giá.

Về chính sách tài khóa, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai các biện pháp tăng thu, chống gian lận thương mại và chống thất thu; thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 10% chi thường xuyên. Các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển của nhà nước. Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng, góp phần phần hoàn thành thêm 1.053 dự án trong năm 2011.

Về xuất-nhập khẩu, nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2011 tăng khoảng 34,7% so với cùng kỳ, cao gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%), ước cả năm 2011 tăng 33% so với năm 2010.

Lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng giá giảm đáng kể so với đầu năm. Chỉ số giá (CPI) đã giảm dần kể từ quý II/2011. Tháng 11, CPI tăng 0,39%, là tháng thứ 4 liên tiếp mức tăng CPI dưới 1%. CPI bình quân 11 tháng năm 2011 tăng 18,62% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, song trong năm 2011 tăng trưởng GDP ở mức khá cao, ước khoảng 6%.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chỉ rõ lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong điều kiện lạm phát giảm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng lên, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn, áp lực tỷ giá còn lớn, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút. Đây là những hạn chế cần tập trung chỉ đạo khắc phục trong năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần  Đại Quang đề nghị ngành Ngân hàng tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm, đồng thời đề nghị các bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu nhất là vào dịp Tết Nguyên đán và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận Tải Đinh La Thăng đề xuất Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 nên đưa thêm các chỉ tiêu về giảm thiểu tai và ùn tắc giao thông; chỉ tiêu về tiết giảm chi phí quản lý.

Vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; giảm lại suất cho vay; thực hiện hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu; giải quyết việc làm cho người lao động… cũng là những vấn đề lớn được các thành viên Chính phủ thảo luận để triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2012.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện Dự thảo trên cơ sở ý kiến thảo luận, góp ý của các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng, do vậy Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải tính toán hạ giảm dần mặt bằng lãi suất, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán. 

Sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã chủ trì cuộc họp báo, thông báo những nội dung chính của phiên họp.

Liên quan đến triển khai kế hoạch đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chủ trương của Chính phủ là đẩy nhanh hơn nữa quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc sắp xếp, đổi mới có nhiều hình thức; đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì cần phải sắp xếp lại để bảo toàn vốn.

Đề cập việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguyên tắc và mục đích là để hệ thống ngân hàng nói riêng cũng các như thiết chế tài chính nói chung hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại hay thiết chế tài chính đủ mạnh tầm khu vực, do vậy c ần có một bước căn bản để đến năm 2015 phải có ít nhất một ngân hàng có quy mô tầm khu vực.

Đối với các ngân hàng ngoài quốc doanh, ngân hàng nào phát triển tốt thì phải được tạo điều kiện để làm tốt hơn, chỗ nào đang khó khăn thì cần được giúp đỡ để bớt khó khăn, hoạt động ổn định. Tinh thần chung là cổ phần hóa các ngân hàng và mức độ cổ phần hóa đại chúng, rộng rãi, đảm bảo minh bạch, an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Về những giải pháp để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% và lạm phát xuống 1 con số trong năm 2012, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết cuối tháng 12, Chính phủ sẽ họp với các địa phương về vấn đề này và đề ra chương trình hành động. Trước mắt, sẽ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chính sách tín dụng, thuế...

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.