Tác nghiệp ở rẻo cao

GD&TĐ - Trên hành trình tác nghiệp của mỗi phóng viên, việc đến với các bản làng xa xôi, heo hút, đi trên những cung đường vùng cao biên giới quanh co hiểm trở hay sương mù, bùn lầy dày đặc bánh xe… là điều không thể né tránh. Thế nhưng, càng khó khăn bao nhiêu thì khi đặt bút lại càng có thêm nhiều chất liệu, cảm xúc để viết. Đi “khổ” viết “sướng” - đó là kinh nghiệm rút ra từ những chuyến tác nghiệp ở vùng khó.

Vừa đi xe máy, vừa đi bộ mới tới được những điểm trường xa nhất. Ảnh: Đức Trí
Vừa đi xe máy, vừa đi bộ mới tới được những điểm trường xa nhất. Ảnh: Đức Trí

Những cung đường vùng cao

Nói tới vùng cao là nói tới cảnh núi nối núi, rừng nối rừng, nắng và gió, địa bàn rộng, giao thông cách trở. Mặt khác nơi đây với đặc điểm nhiều thành phần dân tộc sinh sống nên văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc. Đây sẽ là “kho” tư liệu khổng lồ để phóng viên tìm hiểu, thu thập thông tin, viết bài… Tác nghiệp nơi vùng cao, bên cạnh những thuận lợi là không ít gian khó đòi hỏi mỗi phóng viên lòng say nghiệp, trăn trở với nghề. Và như vậy, chắc chắn phóng viên sẽ được thử thách, tôi luyện và trưởng thành hơn.

Lên vùng cao, khó khăn trước hết phải nói tới là phương tiện đi lại. Hiện nay, xe khách có thể đưa đón khách đến tận trung tâm huyện. Tuy nhiên, để đến với các xã, bản làng xa xôi thì chắc chắn phóng viên phải đi xe máy hoặc đi bộ. Địa bàn vùng cao đi lại đặc biệt khó khăn về mùa mưa.

Đường đất đá bị sạt lở gây ách tắc, trơn trượt, bùn ngập nửa bánh xe cũng là chuyện bình thường. Đến được cơ sở cũng không tránh khỏi các vấn đề mới phát sinh như: Ngôn ngữ bất đồng, nhân vật cần gặp không hợp tác… Nếu phóng viên chưa chuẩn bị kĩ lưỡng về đồ dùng tác nghiệp, thiếu khéo léo trong giao tiếp, chưa thành thục thao tác nghề nghiệp… thì chắc chắn công việc không thể đạt được mong muốn.

Nghề báo được ví như nghề nguy hiểm. Môi trường làm báo ở vùng cao biên giới lại đi kèm biết bao vất vả gian nan hơn khi tác nghiệp ở vùng đồng bằng hay nơi thuận lợi. Để thâm nhập thực tế, khai thác được nhiều thông tin có giá trị người phóng viên phải trèo đèo lội suối, qua sông, lên đò... Hiểm nguy, bất an luôn rình rập. Nếu không có sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó phóng viên sẽ dễ dàng đầu hàng hoàn cảnh và trở về với thất bại bản thân, nghề nghiệp.

Vẫn nhớ chuyến đi công tác tới Mù Cang Chải (huyện nằm phía Tây tỉnh Yên Bái) được biết tới như một huyện khó khăn bậc nhất của cả nước về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.

Từ trung tâm huyện lên điểm trường chính PTDTNTBT TH & THCS Mồ Dề (xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải) và thăm 3 điểm trường lẻ (trên tổng số 7 điểm trường) chúng tôi được các thầy giáo trở bằng những chiếc xe máy mới và tốt nhất. Trước khi xe chạy, các thầy tần ngần cảnh báo: “Đường đi xấu và khó lắm” dù chỉ phải vượt 20km.

Quả thực, dù đã được cảnh báo và xe lăn bánh trong điều kiện thời tiết khô ráo song chúng tôi cũng chẳng thể hình dung hết con đường chở chữ đến học trò lại nhọc nhằn đến vậy.

Đường núi xe leo ngược dốc, đất cát, đá hộc bụi mù. Ngồi đằng sau tim như thắt lại khi những bánh xe chỉ lăn chệch quá 2 gang tay hoặc phanh không ăn, phanh gấp đều có nguy cơ ngã xe, lăn xuống vực. Nhiều cô giáo không lái được ở đường này, mỗi khi lên trường hoặc về nhà đều phải nhờ các thầy đưa xuống.

Đi công tác vùng cao nếu vào thời điểm thời tiết khô ráo thì sẽ đỡ vất vả, gặp đúng mùa mưa chắc chắn phóng viên khó thoát khỏi tình trạng kẻ dắt người đẩy xe qua quãng đường bùn lầy kéo dài. Và kinh nghiệm nằm lòng để đi xe máy vùng cao ắt phóng viên phải nhớ ấy là trời khô thì xì hơi bánh xe còn 6 - 7 phần để xe bám đường bớt nảy sóc; vào ngày mưa đường bùn lội phải thêm dây thừng xung quanh lốp để tăng độ ma sát mới đỡ bị ngã trượt xe…

Khi tác nghiệp vùng khó hãy quên bạn đang làm sếp hay nhân viên; bạn là nữ nhi tay yếu chân mềm hay nam giới. Hãy chủ động chấp nhận và vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn nếu gặp phải trên đường.

Hành trang tác nghiệp

Di chuyển gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp vùng khó. Ảnh: Đức Trí
Di chuyển gặp nhiều khó khăn  khi tác nghiệp vùng khó. 
Ảnh: Đức Trí 

Thời đại 4.0, làm báo ngoài yêu cầu đúng thì luôn đòi hỏi nhanh nhạy. Vì vậy trong ba lô của phóng viên cần ưu tiên đầy đủ các loại máy móc phục vụ việc tác nghiệp, truyền bài vở tức thì về tòa soạn, pin dự trữ, dây sạc, thiết bị kết nối mạng…

Tác nghiệp vùng khó, việc chuẩn bị trước chuyến đi càng đòi hỏi kĩ càng bởi bạn sẽ không thể nào mua được cục pin, dây sạc, thẻ nhớ… ở đây. Với báo viết, báo hình việc xác định trước các đề tài, nhân vật cần gặp, liên hệ hẹn gặp trước… nhất thiết cũng không thể chủ quan, quá trình làm việc phải diễn ra đúng giờ hẹn và hợp lý thời gian hẹn.

Nếu đối tượng hẹn của bạn là nông dân, chỉ cần chậm 5 - 10 phút thì hoàn toàn bạn sẽ phải chấp nhận đợi cả vài ngày, hoặc phải cất công lên nương rẫy để tìm. Ở những nơi không sóng điện thoại, việc tìm kiếm người cần gặp đang ở đâu, hay hỏi dăm câu ba điều cơ bản qua điện thoại là hoàn toàn không thể thực hiện.

Tác nghiệp vùng khó, điều mỗi phóng viên luôn phải ghi nhớ đó là tìm mọi cách giữ an toàn cho mình cả về tính mạng và tài sản. Chỉ cần sơ sểnh một chút khi tham gia giao thông bằng xe máy trên các con đường liên thôn, liên bản ở vùng cao là hoàn toàn bạn đã có thể gặp tai nạn hoặc những rủi ro luôn rình rập. Nặng thì trả giá bằng tính mạng, nhẹ thì sức khỏe.

Theo dõi giáo dục vùng cao biên giới, điều mà bạn có thể rút ra đó là hãy hòa đồng, tìm hiểu phong tục tập quán địa bàn nơi ta đến. Đến với các điểm trường xa xôi, hẻo lánh, học sinh còn thiếu thốn đủ bề… có thể đem theo sách, truyện, hoặc mua ít bánh kẹo.

Với tấm lòng chân thật, cởi mở chắc chắn các thầy cô, học sinh và phụ huynh học sinh sẽ không khó khăn để trải lòng với bạn những suy nghĩ, niềm vui nỗi buồn rất thật của họ nơi vùng khó. Đây sẽ là tư liệu quý giá để phóng viên có thể chắt lọc đưa vào bài viết và thậm chí mang theo suốt hành trang ký ức cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.