Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Bí quyết săn giải ảnh báo chí

GD&TĐ - Cùng với truyền hình, ảnh báo chí có vai trò quan trọng không kém trong thời đại số, nhất là khi báo điện tử đang phát triển như vũ bão. Thế nhưng, để có tác phẩm ảnh báo chí đoạt giải thưởng trong các cuộc thi lớn lại không hề dễ dàng với bất cứ nhiếp ảnh gia nào.

Anh Lê Trí Dũng với chứng nhận giải A giải Búa Liềm vàng. Ảnh: TG
Anh Lê Trí Dũng với chứng nhận giải A giải Búa Liềm vàng. Ảnh: TG

Trải lòng với nghề

Anh Lê Trí Dũng - Trưởng ban Báo ảnh (Thông tấn xã Việt Nam) mấy chục năm gắn bó với nghề, có nhiều ảnh báo chí đoạt giải trong các cuộc thi lớn như: Giải Búa Liềm vàng, Giải Báo chí quốc gia chia sẻ: “Ấn tượng nhất, với cá nhân tôi vẫn là bức ảnh được giải A Búa Liềm vàng năm 2017. Đó là bức ảnh tôi chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà thương binh Đinh Phi và vợ là Đinh Brat, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai”.

Chiều 12/4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với tỉnh Gia Lai. Như thông lệ các chuyến công tác tại địa phương, trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư trực tiếp xuống cơ sở, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai. “Bắt gặp khoảnh khắc hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ân cần, giản dị ngồi trên bậc cửa căn nhà lợp tôn nhỏ, ân cần thăm hỏi và tặng quà anh thương binh Đinh Phi, tôi vội vã bấm máy. Đặc biệt, ánh mắt người thương binh dân tộc thiểu số ngời sáng trước cuộc viếng thăm đột xuất ấy. Tôi đã bấm máy đúng thời điểm”, anh Trí Dũng chia sẻ.

Anh Ngọc Hoan, Báo Điện tử tiếng Trung (Báo Nhân dân), vừa ẵm liền một loạt giải thưởng ảnh báo chí như giải B - Giải Báo chí quốc gia và Giải Báo chí thông tin đối ngoại chia sẻ: “Tôi không được đào tạo chuyên ngành báo chí vì học Ngoại ngữ ra, thế nhưng, khi tham gia Câu lạc bộ nhiếp ảnh, chính các anh chị kỳ cựu đã giúp tôi biết cách cầm máy và bấm máy để có tác phẩm ảnh hội tụ tiêu chí cơ bản. Qua thực tế, tay nghề được nâng cao, tôi đã có những tác phẩm ảnh báo chí đoạt giải. Ấn tượng của tôi đó là mỗi tác phẩm ảnh đều chộp được khoảnh khắc hiếm có của riêng mình chứ không giống của bất kỳ ai đó”.

Đâu là bí quyết?

Nhiếp ảnh gia Đỗ Phan Ái, nguyên giảng viên Báo ảnh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Trước hết, phóng viên ảnh phải có kiến thức nền, am hiểu về kĩ thuật, cũng như là về thiết bị máy móc. Thứ hai là am hiểu về tạo hình, bố cục. Thứ ba, phải có kiến thức về báo chí, cũng như con người ta hình dung có chân, tay, đầu, ta phải hình dung ra hình cho ảnh báo chí”.

Theo anh Trí Dũng, sở dĩ dân TTX giành nhiều giải thưởng ảnh báo chí là do lợi thế được đào tạo bài bản, sống trong môi trường thông tấn có bề dày truyền thống nghề. Từ hồi chống Pháp, chống Mỹ đến nay, TTX vẫn là nguồn cung cấp ảnh cho các cơ quan báo chí cả nước. Những tác phẩm của các phóng viên lão thành của TTX Việt Nam được rất nhiều giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cứ như vậy, thế hệ sau tiếp nối truyền thống thế hệ trước, cũng phát huy tốt vai trò phóng viên ảnh. Còn bản thân anh, được chuyên trách chụp ảnh lãnh tụ, có điều kiện tiếp cận thông tin rất nhanh.

Hiện nay, trong nhận thức của rất nhiều người, quan niệm về ảnh báo chí chưa chuẩn. Phóng viên ảnh báo chí trước khi bấm máy phải nhận thức ra vấn đề, biết chọn sự kiện. Tư duy người làm ảnh là trực diện trước một sự kiện, ở nơi có thể người khác không nhận ra nhưng người làm ảnh đã chộp được nó và biết cách thể hiện, tức là có bố cục tốt, có ánh sáng đẹp. Đặc biệt, ảnh báo chí phải luôn luôn động, bản thân ảnh là tĩnh, nhưng động bởi phóng viên ảnh không dàn dựng, không sắp xếp mà phải chân thực khách quan nhất.

“Công chúng cần ảnh thực chứ họ không cần sự sắp xếp. Chẳng hạn như cô gái cầm một bó hoa tươi tắn nhất, song bảo em khóc diễn để bấm máy, hoặc khi đang buồn bảo cười lên để chụp ảnh. Sắp xếp như vậy không còn là ảnh báo chí nữa. Phải đợi lúc mà bản thân cô gái đó sống thật với mình nhất thì bức ảnh mới diễn đạt được hết. Nhiều người quan niệm ảnh báo chí là một cái gì đấy to tát, phải là sự kiện lớn thì ảnh mới đẹp. Thế nhưng không phải, tôi cho rằng chính những cái trong đời sống xã hội hằng ngày mới là chân thực nhất, đẹp nhất được phản ánh trong tác phẩm ảnh báo chí”, ông Đỗ Phan Ái cho biết.

Một tác phẩm ảnh báo chí đoạt được giải thưởng, ngoài đòi hỏi chân thực, khách quan, chộp được khoảnh khắc độc thì chú thích ảnh cũng quan trọng không kém. Hơn nữa, ảnh báo chí muốn tạo ấn tượng tốt thì phóng viên ảnh phải biết lăn xả vào sự kiện, dấn thân, không ngại hiểm nguy.

Tựu trung lại, muốn có ảnh báo chí phải có sự kiện. Phóng viên ảnh phải chộp được sự kiện mới, dù trong điều kiện khó khăn, kể cả ở nơi hiểm nguy, khắc nghiệt, giúp độc giả tìm kiếm thông tin chứ không phải giải trí. Do vậy, bức ảnh đôi khi không quá câu nệ về ánh sáng, bố cục, cách chụp lạ như với thể loại ảnh nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ