Tác hại khi 'mượn' thuốc lá điện tử để cai thuốc lá truyền thống

GD&TĐ - Một người bỏ thuốc lá thông thường khi chuyển sang thuốc lá điện tử thì sẽ trở thành 'con nghiện mới'.

Thuốc lá điện tử gây hại cho người dùng như thuốc lá thông thường. Ảnh minh họa
Thuốc lá điện tử gây hại cho người dùng như thuốc lá thông thường. Ảnh minh họa

Trong thuốc lá điện tử vẫn có nicotine. Vì vậy, nó vẫn duy trì cơ chế gây nghiện tương tự thuốc lá. Một người bỏ thuốc lá thông thường khi chuyển sang thuốc lá điện tử thì sẽ trở thành “con nghiện mới”.

Thuốc lá điện tử không ngoại lệ

Nhiều bệnh viện và trường học thời gian gần đây ghi nhận không ít trường hợp học sinh vào viện cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.

Vừa qua, bảy học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu, kiểm tra sức khoẻ do có biểu hiện buồn nôn, đau đầu sau khi hút hoặc hít phải khói thuốc lá điện tử.

Ngày 18/11, ba nam sinh lớp 12 của Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng xuất hiện nhiều biểu hiện khác thường như khó chịu, khó thở…, thậm chí có em ngất xỉu sau khi sử dụng cùng một loại thuốc lá điện tử.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Lê Khắc Bảo - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, các hãng sản xuất thuốc lá điện tử đã tìm cách tiếp cận công chúng, giới trẻ. Đồng thời, làm lu mờ tác hại của sản phẩm và khoác lên những “chiếc áo đẹp đẽ” cho thuốc lá điện tử.

Thực tế, chuyên gia này cảnh báo, thuốc lá điện tử không hề ít độc hơn thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử vẫn có chất độc gây nghiện, thậm chí có thể gây ung thư, cũng như các bệnh tim mạch và ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Do đó, thuốc lá điện tử hoàn toàn có thể gây hại như thuốc lá thường.

“Thuốc lá điện tử không thể giúp mọi người “cai” thuốc lá. Thuốc lá điện tử giúp “đu trend”. Tuy nhiên, đây là cách “đu trend” nguy hiểm, không tốt cho sức khoẻ.

Các công ty thuốc lá tìm cách thích nghi, làm mới sản phẩm, làm mới cách tiếp cận, tìm những khách hàng mới. Ví dụ, khi một bệnh nhân được bác sĩ yêu cầu cai thuốc lá, họ kéo dài bằng cách hút thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử là một cách biến đổi, thích nghi với đòi hỏi mới của môi trường, tìm cách đáp ứng nhu cầu mới nổi của thế hệ trẻ”, TS Bảo chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông, trong luật, không nên phân biệt thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử cũng được xem là một sản phẩm thuốc lá và phải chịu tất cả sự điều tiết, phòng chống, cấm quảng bá.

Đồng thời, không được nhận tài trợ từ các hãng thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử không ngoại lệ. Biện pháp đó sẽ giúp vấn đề phòng chống tác hại thuốc lá được rõ ràng hơn.

Thực tế, thuốc lá điện tử không phải là thứ gì đặc biệt mà cần được đối xử khác. Nó chỉ là một sản phẩm thuốc lá. Thông điệp như vậy sẽ “phá vỡ” được luận điểm của các công ty thuốc lá điện tử rằng, sản phẩm này đặc biệt, khác so với thuốc lá thông thường, ít hại hơn, không gây nghiện...

Thực tế không phải vậy. Thuốc lá điện tử không khác thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử cũng gây hại, tàn phá sức khoẻ con người tương tự thuốc lá thông thường.

Nguy cơ gây nghiện “kép”

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử là một thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch. Thành phần chính của dung dịch này bao gồm propylene glycol, có hoặc không có glycerol và các chất tạo hương.

Theo tài liệu của WHO và Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, thành phần dung dịch trong thuốc lá điện tử gồm có nicotine - chất gây nghiện; Propylene Glycol - có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng; Glycerin/Glycerol gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, có thể gây kích thích đường hô hấp trên. Ngoài ra, còn có kim loại, chì, bạc, thủy ngân…

Thuốc lá điện tử còn có các ảnh hưởng xấu khác như tăng nguy cơ nghiện nicotine với người từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây nổ/bỏng, chấn thương...

“Nếu nói các phụ huynh không sa vào bẫy, thì công ty thuốc lá điện tử đã thất bại. Rất nhiều phụ huynh đã nhầm tưởng về thông điệp mà hãng thuốc lá điện tử đưa ra. Thông điệp đầu tiên là thuốc lá điện tử ít hại hơn thông thường. Thứ hai là cai thuốc lá thông thường rất khó. Khi đó, thuốc lá điện tử là cứu cánh. Song, sự thật ẩn sau không phải vậy”, TS Bảo nhấn mạnh.

Mặc dù hàm lượng chất độc trong thuốc lá điện tử khi cân đo đong đếm so với thuốc lá truyền thống một cách trực tiếp, con số có vẻ thấp hơn. Tuy nhiên, khi thuốc độc đi vào cơ thể, tuỳ độ cảm nhiễm của mỗi người khác nhau, mà nó có thể gây hại nhiều hay ít.

Ngoài ra, còn tuỳ vào cách một người hít khói thuốc lá vào cơ thể sâu hay nông, mà sẽ gây hại nhiều hay ít. Vì lẽ đó, thuốc lá điện tử vẫn tiếp tục gây hại cho người sử dụng như thuốc lá thông thường.

Bên cạnh đó, trong thuốc lá điện tử vẫn có nicotine. Vì vậy, nó vẫn duy trì cơ chế gây nghiện tương tự thuốc lá. Một người bỏ thuốc lá thông thường khi chuyển sang thuốc lá điện tử thì sẽ trở thành “con nghiện mới”. Sau này, những người đó sẽ có nguy cơ nghiện “kép” cả thuốc lá thông thường lẫn điện tử.

“Nghiện thuốc lá điện tử ở giới trẻ thậm chí còn độc hại hơn. Giới trẻ vừa nghiện nicotine, vừa nghiện nhận thức, hình ảnh mà các hãng thuốc lá điện tử xây dựng. Các phụ huynh cần nhận thức rõ điều này để kiên quyết nói không với thuốc lá điện tử và truyền niềm tin đó tới con. Nhờ đó, giúp trẻ không hút thuốc lá điện tử”, chuyên gia khuyến cáo.

Để trẻ không nghiện thuốc lá điện tử, cha mẹ cần hiểu lý do đằng sau khiến con mình sử dụng. Ví dụ, theo TS Bảo, lý do là vì trẻ muốn theo kịp xu hướng, “đu trend”, trở nên giống bạn, theo hình mẫu. Cha mẹ cần hỏi con để hiểu về hình ảnh mà con muốn xây dựng.

Sau đó, từ từ phân tích về tác hại của thuốc lá điện tử. Trẻ cần hiểu rằng, việc sử dụng thuốc lá điện tử không phải là sành điệu, mà ẩn chứa nguy cơ độc hại. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ những giải pháp, lựa chọn để “đu trend” khác. Đồng thời, giúp thể hiện mình, mà vẫn đáp ứng nhu cầu gắn kết với giới trẻ, thay vì thuốc lá điện tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.