Báo động tình trạng hút thuốc lá điện tử gia tăng nhanh, đặc biệt ở giới trẻ

GD&TĐ - Thực trạng đáng báo động trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử lại tăng nhanh, đặc biệt là giới trẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi tại Việt Nam được Bộ Y tế tổ chức ngày 26/12, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội đã trình bày kết quả nghiên cứu về tình hình hút thuốc lá trong giới trẻ.

Theo đó, nghiên cứu được thực hiện ngẫu nhiên với gần 3.900 học sinh từ 13-15 tuổi tại 13 tỉnh thành phố, tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022.

Đây là kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.

Tuy vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực trạng đáng báo động. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử lại gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ.

Tỷ lệ học sinh độ tuổi từ 13-15 sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng lên 3,5% thay vì mức 2,6% năm 2019. Đây là mức tăng đáng kể so với cách đây 3 năm.

Thuốc lá điện tử giá thành rẻ, nhiều hình dạng, hương thơm hấp dẫn cùng những lời quảng cáo về một kiểu hút thuốc không gây hại, sành điệu đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, nhiều em học sinh không biết hoặc có biết nhưng cố tình bỏ qua những khuyến cáo về những thành phần hóa chất độc hại, thậm chí là cả ma tuý có trong thuốc lá điện tử.

Nếu không quyết liệt ngăn chặn thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai. Và các kết quả phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ bị phá bỏ.

Hội thảo đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và coi đây là cơ sở để các tỉnh thành tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hơn các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ