Ăn uống không tiêu, bụng trướng đầy: Ô dược (sao cám), hương phụ (tứ chế), đồng lượng 8 - 12g. Cả hai tán bột mịn, ngày uống 5 - 9g với nước sắc của gừng. Có thể uống 2 - 3 tuần.
Nếu đầy bụng, đau bụng do giun, nhất là trẻ em có thể thay nước gừng bằng nước sắc của 4g hạt cau, trẻ em bị giun chỉ nên uống 5 - 7 ngày. Khi uống thuốc cần tránh các thức ăn tanh, khó tiêu như cua, cá, trứng, mỡ...
Lỵ, sốt, tiêu chảy: Ô dược (sao cám) tán bột mịn, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 3 - 5g, uống với nước cơm, trước khi ăn khoảng 1 giờ rưỡi; hoặc phối hợp với cỏ sữa, hoắc hương, mỗi vị 8 - 10g, sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, trước bữa ăn khoảng 1 giờ rưỡi. Uống liền 1 - 2 tuần lễ.
Đau dạ dày co thắt, do lạnh: Ô dược 9g, ích trí nhân 6g, tiểu hồi (vi sao) 2g. Sắc hoặc hãm ngày 1 thang, uống 3 lần trước bữa ăn.
Trị chứng cam tích ở trẻ em (trẻ chậm lớn, gầy xanh, nhẹ cân, mắt hay bị nhoèn gỉ, mũi hay viêm, chảy nước mũi, bụng ỏng, đít teo, kém ăn, kém ngủ...): Ô dược, bạch truật, kê nội kim (màng mề gà) đều sao cám (kê nội kim sao đến khi vị thuốc phồng đều), ý dĩ, hoài sơn (sao vàng), đồng lượng 9 - 12g. Tán bột mịn, ngày 3 lần, mỗi lần 5 - 9g, uống với nước sôi để nguội. Uống liền nhiều đợt, mỗi đợt 2 - 3 tuần.
Trị đau bụng kinh ở phụ nữ: Ô dược, mộc hương mỗi vị 12g, sa nhân 3g (đều vi sao); huyền hồ (chích giấm) 12g; cam thảo 5g, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 2 lần trước bữa ăn. Uống liền 2 - 3 tuần lễ, sau mỗi khi hết chu kỳ kinh nguyệt. Uống lặp lại vài đợt.
Ngoài ra, ô dược còn được dùng để trị các chứng bệnh đau xương khớp, đau gối, toàn thân tê mỏi, đau đầu, chóng mặt...
Lưu ý:
Vì ô dược còn có tên sim rừng, do đó có người đã đào lấy rễ cây sim (Rodomyrtus tomentosa Wight), họ sim (Myrtaceae) để giả mạo vị ô dược, cần lưu ý tránh nhầm lẫn.
Các trường hợp khí hư, nội nhiệt không nên dùng ô dược.