Tabqa: Sạch bóng IS, khó khăn chồng khó khăn

GD&TĐ -  Sự sống đang dần trở lại trên các con phố ở Tabqa, thành phố với khoảng 100.000 cư dân, với vị trí then chốt chỉ cách Raqqa - thủ phủ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS - 30 dặm.  

Người dân Tabqa đang trong điều kiện sống vô cùng chật vật
Người dân Tabqa đang trong điều kiện sống vô cùng chật vật

Cuộc sống tê liệt

Đã gần 2 tháng kể từ khi liên minh do Mỹ đứng đầu quét sạch IS khỏi thành phố này, thì người dân Tabqa vẫn phải sống trong tình trạng thiếu thốn những điều kiện căn bản nhất như điện, nước, nhiên liệu, thực phẩm… đó là chưa kể tới các bệnh viện, trường học… đều không hoạt động. Người dân nơi đây cũng lo ngại sự trả thù của IS nếu đội quân này quay trở lại.

Nhiều người cho rằng, Tabqa đang trở thành một điểm thí nghiệm cho chính sách của Mỹ trong việc trao quyền cho các chỉ huy ở Syria để ra quyết định tại chiến trường chống IS và chỉ dựa vào một nhóm nhỏ các quan chức Bộ Ngoại giao và đơn vị dân sự của quân đội để củng cố hòa bình, mà hoàn toàn không ngó ngàng tới việc tái thiết. Đây có lẽ cũng sẽ là bức tranh của Raqqa - thành phố lớn hơn và đông dân hơn rất nhiều so với Tabqa - trong thời gian tới, khi thời điểm liên minh chiếm lại Raqqa đang trong tầm tay.

Chiến lược của Mỹ tại Syria nhằm chống lại IS là thông qua các lực lượng địa phương để duy trì những gì liên minh giành lại được. Nhưng ngay cả điều đó cũng đòi hỏi phải triển khai các cố vấn Mỹ, thêm vào đó là pháo binh, tên lửa do vệ tinh dẫn đường, trực thăng tấn công Apache và khoảng 1.000 binh lính. Người Mỹ với sự ủng hộ của Iran và dân binh Shiite, cũng như chính phủ Syria và người Nga, đang nỗ lực để chiếm quyền kiểm soát lành thổ miền Đông Syria sau khi chiếm được Raqqa.

Chiến dịch Tabqa

Giữa tháng 3 vừa qua, kế hoạch Chiến dịch Tabqa được chỉ huy trưởng lực lượng Dân chủ Syria - lực lượng hỗn hợp giữa người Kurd ở Syria và các chiến binh Ả Rập, cũng là lực lượng nòng cốt của trận chiến - đề xuất lên chuẩn tướng Stephen Townsend - chỉ huy của lực lượng do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS. Kế hoạch này đã được thông qua mà không cần bất kỳ một cuộc họp nào của Nhà Trắng.

Chỉ một tuần sau đó, hàng trăm chiến binh Ả Rập và Kurd, trong đó có nhiều người chưa từng đặt chân lên máy bay, được những chiếc trực thăng Mỹ và máy bay Osprey chuyển tới bờ Nam của hồ Assad, đối diện Tabqa. Những chiếc sà lan chở xe cộ qua mặt hồ xanh ngắt, trong khi một nhóm chiến binh Syria khác từ phía Đông vượt từ đảo này qua đảo khác cho đến khi tập trung dọc theo sông Euphrates, rồi lên những con tàu tốc độ cao của Mỹ.

Cuộc chiến gay gắt nổ ra, một trong những cuộc đối đầu cuối cùng diễn ra bên trong con đập cao 60m của Tabqa, vốn cung cấp 20% sản lượng điện cho Syria. Để giữ an toàn cho con đập, binh lính Syria đã thỏa thuận với IS rằng khoảng 70 dân binh sẽ được ra khỏi thành phố an toàn. Tuy nhiên, IS đã trả lời một cách đơn giản: Những chiếc turbine màu đỏ bị nổ tung, bảng điều khiển bị bắn lỗ chỗ. Các kỹ sư Syria đang nỗ lực sửa turbine, nhưng không có phụ tùng thay thế. Chắc chắn con đập già nua này không thể sản xuất điện trong những tháng sắp tới.

Khó khăn từ bên ngoài

Chính sách quốc tế cũng mang tới nhiều thách thức. Từ nhiều tháng trước, chính phủ Syria đã ngừng trả lương cho giáo viên và các nhân viên chính quyền. Có lẽ chính sách tiền lương sẽ lại được kích hoạt, chỉ có vậy thì chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad mới chứng tỏ được sự kiểm soát của mình ở khu vực này. Tuy nhiên, theo một thương lượng giữa các tướng lĩnh Mỹ và Nga, thì một “đường phân ranh giới” đã được vạch ra để ngăn chặn các lực lượng Syria đến gần thành phố hơn; ngoài ra, chưa rõ bao giờ các nhà chức trách tại Damascus mới bắt đầu việc trả lương.

Mặt khác, bất bình với quyết định của Mỹ trong việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho dân binh Kurd có liên quan đến đảng Lao động người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa biên giới, khiến công tác cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn. Liên Hiệp Quốc cũng hoạt động tại Syria, nhưng vẫn chưa bắt đầu cứu trợ Tabqa mà chỉ tập trung vào những vùng ngoài sự kiểm soát của chính quyền Assad. Câu hỏi lớn mà hầu hết người dân Tabqa đang phải đối đầu là: Liệu họ sẽ sống thế nào trong điều kiện không điện, không thực phẩm, không nhiên liệu, không việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ