Tạ mộ cuối năm là một trong những nghi lễ truyền thống của người Việt để tôn vinh, ghi nhớ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân tổ tiên cùng chư vị thần linh.
Lễ tạ mộ, tạ ơn gia tiên cuối năm còn nhằm tỏ lòng cảm tạ các vị thần linh đã cho gia tiên được nương nhờ đất đó, giúp gia tiên an lạc và phù hộ cho con cháu trong gia đình.
Vậy khi đi tạ mộ, cần lưu ý hay kiêng kỵ điều gì, chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương đã chia sẻ một số kiến thức ông đã áp dụng hàng chục năm qua khi thực hiện nghi lễ tạ mộ.
Thời gian tạ mộ cuối năm 2024
Theo lệ thường, người dân Việt tiến hành nghi lễ tạ mộ cuối năm vào những ngày cuối của tháng Chạp âm lịch, chủ yếu là khoảng thời gian từ ngày 20 đến ngày 30 tháng Chạp hoặc từ sau lễ cúng ông Công ông Táo đến hết tháng Chạp. Ngày này không ấn định cụ thể mà tùy phong tục từng nơi.
Trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp năm Giáp Thìn này, có 3 ngày linh thiêng, rất đẹp để tiến hành nghi lễ tạ ơn, mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu này. Đó là các ngày 23, 26 và 28 âm.
Điều nên làm khi đi tạ mộ
Thắp hương các ban thờ trong nhà trước khi đi tạ mộ
Theo ông Phùng Phương, đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng - đó là, cần thắp hương tại tất cả các ban thờ trong nhà ở trước khi đi.
Không chỉ là đi tạ mộ tháng Chạp cuối năm, mà tất cả các công việc thăm mộ hay lễ bái ở đâu gia chủ cũng cần phải làm bước này trước, vì đó là "Nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa".
Thắp hương ban Thần linh trước
Trước khi lên hương lễ bái tại khu mộ gia tộc, hay người thân, cần phải thắp hương tại ban thần linh, ban sơn thần của nghĩa trang trước. Sau đó mới tới làm lễ tại khu vực mộ phần nhà mình.
Trong ngày tạ mộ này, các gia chủ nên dọn dẹp, sơn mới, phát quang lại toàn bộ khu mộ.
Cắm hương các ngôi mộ xung quanh
Cuối cùng, sau khi thắp hương xong tại khu mộ nhà mình, các gia chủ nên đốt hết số nhang còn lại và cắm sang các ngôi mộ xung quanh.
Điều kiêng kỵ khi đi tạ mộ
Không nên dâng đồ cúng sát sinh
Trong nghi lễ, các vật phẩm dâng cúng nên được chọn lựa kỹ càng, ưu tiên sự giản dị và thanh đạm, tránh sử dụng các món có nguồn gốc từ việc sát sinh. Điều này không chỉ giúp giữ trọn sự thành kính đối với tổ tiên mà còn phản ánh tinh thần từ bi, hòa ái của con người.
Sự giản dị trong cúng lễ còn giúp nghi lễ tập trung vào ý nghĩa tâm linh, tránh phô trương hình thức.
Hạn chế đốt vàng mã
Việc đốt vàng mã trong các nghi lễ tâm linh, đặc biệt trong tạ mộ, không chỉ không được khuyến khích mà còn mang lại nhiều tác hại.
Theo quan điểm của Phật giáo, đốt vàng mã không phải là hành động mang giá trị tâm linh thực sự, thay vào đó, nó gây lãng phí tài nguyên và góp phần làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thay vì đốt vàng mã, hãy tập trung vào những hành động thiết thực hơn để bày tỏ lòng hiếu kính và biết ơn với tổ tiên.
Tránh hành xử bất kính, ồn ào
Trang nghiêm là yếu tố quan trọng trong các nghi lễ tâm linh, đặc biệt là nghi lễ tạ mộ. Do đó, trong quá trình thực hiện lễ, cần duy trì sự nghiêm trang, tránh hoàn toàn các hành động như cười đùa, tranh cãi hoặc nói lớn tiếng, bởi chúng làm mất đi sự tôn nghiêm cần thiết.
Đặc biệt, việc ngồi hoặc đứng lên phần mộ của người đã khuất là điều tối kỵ, thể hiện sự bất kính và có thể làm ảnh hưởng đến vận khí của người tham gia nghi lễ.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!