Syria mất 4 thành phố lớn, 2 năm nỗ lực của Nga trôi sông đổ bể?

GD&TĐ - Syria đã mất quyền kiểm soát Aleppo, Hama, Deir er-Zor và sắp tới có thể là Homs, những thành phố lớn mà Nga đã giúp họ lấy lại từ tay IS năm 2015.

Syria mất 4 thành phố lớn, 2 năm nỗ lực của Nga trôi sông đổ bể?

Syria mất hàng loạt thành phố lớn

Ngày 29/11, liên minh phiến quân Syria, do nhóm Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) dẫn đầu, đã kiểm soát thành phố Aleppo và đến chiều ngày 5/12, nhóm khủng bố do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm thêm thành phố ở Hama, giáng 2 đòn liên tiếp làm rung chuyển chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo tin tức mới nhất, một đòn mạnh nữa đã giáng xuống chính quyền Damascus khi vào chiều 06/12, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Deir er-Zor, đánh dấu việc thành phố lớn thứ ba của Syria rời khỏi quyền kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ trong vòng một tuần.

Theo Đài quan sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) thông báo, mục tiêu tiếp theo của nhóm phiến quân này là Homs, thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng với thủ đô Damascus của Syria. Nếu thành phố này thất thủ, thủ đô của Syria sẽ bị cắt đứt đường ra biển.

Đến chiều ngày 06/12, nhóm phiến quân được coi là có quan hệ với cả tổ chức khủng bố al-Qaeda này đã tiếp cận cứ điểm phòng thủ cực kỳ quan trọng đối với chính quyền của ông Bashar al-Assad, chỉ còn cách ngoại ô Homs 5km, sau khi chúng đánh chiếm được 2 thị trấn Rastan và Talbisseh.

Ông Abdel Rahman, người đứng đầu “Đài quan sát nhân quyền Syria” cho biết, cuộc chiến bảo vệ Homs là “cực kỳ quan trọng” đối với chính quyền Damascus, bởi bất kỳ lực lượng nào nắm quyền kiểm soát thành phố này rất có thể sẽ trở thành “kẻ chiến thắng cuối cùng ở Syria”.

Theo hãng tin Anh Reuters, hàng nghìn người đã rời khỏi Homs và di tản đến các khu vực ở phía tây Syria, vì lo sợ giao tranh, còn Đại sứ quán Nga tại Damascus kêu gọi công dân nước mình rời khỏi Syria vì lý do an ninh, trong khi Iran cũng đã sơ tán quan chức và công dân về nước.

Vào ngày 06 và 07/12, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) đã tiến hành 8 đợt không kích, phá hủy cầu Rustan, dọc theo đường cao tốc M5, để ngăn bước tiến của phiến quân từ Hama xuống tới Homs.

Đòn đánh hiểm khiến Nga đau đớn?

Việc các nhóm phiến quân trỗi dậy nhanh chóng và bất ngờ đánh chiếm hàng loạt thành phố lớn của Syria chỉ trong chưa đầy 10 ngày đã làm tan vỡ những nỗ lực trong 2 năm 2015 và 2016 của Nga giúp chính quyền Damascus giành lại phần lớn đất nước từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân đối lập vũ trang.

Được biết, Nga chính thức tuyên bố mở chiến dịch chống khủng bố IS ở Syria hồi tháng 11/2015, đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Vào thời điểm đó, Nga đã triển khai hàng chục chiến đấu cơ và các hệ thống phòng không tiên tiến tới Syria, cùng với đó là đội ngũ tướng lĩnh thiện chiến, chuyên gia quân sự cao cấp, huấn luyện viên quân sự và thậm chí là cả lực lượng lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner.

Những phi vụ ném bom liên miên, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga đã khiến lực lượng khủng bố tại Syria rơi vào tình trạng thiếu vũ khí, lương thực và nhiên liệu, đồng thời cắt đứt tuyến đường buôn lậu nhiên liệu của chúng, khiến IS mất đi nguồn tài chính lớn để mua vũ khí và chiêu mộ binh sĩ.

Bên cạnh đó, Nga đã trực tiếp huấn luyện và cung cấp vũ khí cho hàng chục nghìn binh sĩ Syria thuộc Quân đoàn 5, biến họ trở thành nòng cốt trong chiến dịch đánh chiếm lại các vùng đất bị mất vào tay IS, al-Qaeda và các nhóm phiến quân thành chiến hồi giáo khác.

Các lực lượng đặc nhiệm Nga cũng trực tiếp tham chiến trong các trận đánh vào các thành phố lớn, giúp Quân đội Ả rập Syria lần lượt chiếm lại thành phố cổ Palmyra (tỉnh Homs), thành phố Deir ez-Zor, Hama, thành phố Aleppo… và một số khu vực tại Raqqa, al-Hasakah, al-Quineitra, Daraa, Sweida…

Hiện nay, tình hình chiến sự ở Syria vẫn hết sức phức tạp trong bối cảnh quân chính phủ đang liên tiếp rút lui và thất thủ tại các thành phố lớn, binh lực của Iran có thể triển khai sang Syria có hạn, trong khi Nga cũng đang tập trung nguồn lực lớn cho Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở miền đông và nam Ukraine.

Trong bối cảnh Nga đang vướng bận với cuộc xung đột ở Ukraine, sẽ rất khó để Quân đội Syria có thể ngăn được bước tiến của lực lượng khủng bố và đối lập Syria, chứ đừng nói là tái hiện kỳ tích năm 2015-2016.

Theo các nhà quan sát, nếu Moscow không nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, rất có thể chính quyền Damascus sẽ sụp đổ trước sức tấn công như vũ bão của HTS, mọi nỗ lực của Nga nhằm duy trì chính quyền thân thiện của gia tộc ông Bashar al-Assad trong hàng thập kỷ qua sẽ trở thành công cốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ