Chưa một ngày được tới trường
Hussein al-Khalaf, 13 tuổi, rớt nước mắt khi lần đầu tiên trong đời được học và viết tại một lớp học ở Trường Ahmed Baheddine Rajab.
Khalaf 5 tuổi khi cuộc xung đột Syria bùng phát năm 2011, làm đảo lộn cuộc sống gia đình cậu tại thành phố Abdul Kamal, nơi ngay sau đó biến thành căn cứ của tổ chức khủng bố IS.
Khalaf là một trong hàng chục nghìn trẻ em Syria trong một chương trình GD khẩn cấp của UNICEF dành cho những trẻ sinh ra trong cuộc chiến và chưa thể tới trường. Trường học này mở 2 ca trong ngày để đẩy nhanh chương trình giúp trẻ bắt kịp với các trẻ đồng niên khác.
“Lẽ ra ở tuổi này cháu học lớp 5 nhưng cháu phải bắt đầu học từ lớp 1. Vì thế nhiều bạn cười nhạo cháu” – Khalaf kể. Cậu bé cùng gia đình chuyển tới Sahnaya gần thủ đô Damascus năm ngoái.
“Cháu chưa được tới trường từ khi ra đời. Quân IS muốn chúng cháu đầu quân. Tất cả bạn bè cháu đã chuyển đi mỗi người một nơi. Một lần cháu tìm thấy số điện thoại một người bạn và gọi cho cậu ấy. Cậu ấy nói rằng “bạn của cậu, Majed, đã chết”. Majed thường chơi với chúng cháu. Chúng cháu đã sống vui vẻ trước khi IS tới. Cháu chẳng cần gì cả, chỉ muốn gặp lại bạn bè” – Khalaf nói trong nước mắt.
Bên cạnh mối lo IS sẽ nhồi sọ con trẻ tư tưởng cực đoan hoặc bắt lính chúng, nhiều phụ huynh không dám cho con đi học bởi có thể hứng bom từ máy bay Nga và quân chính phủ Syria.
Hầu hết trẻ em tại Trường Rajab đến từ những khu vực chìm trong xung đột vũ trang gồm Raqqa, Aleppo, Deir al Zor, Idlib và Abu Kamal. Chúng buộc phải sơ tán bởi giao tranh ác liệt.
Những trẻ này nằm trong số những nạn nhân chính của cuộc chiến, hiện đã bước vào năm thứ 8. Di chứng chiến tranh hằn trên khuôn mặt trẻ, trong sự im lặng kéo dài, những cặp mắt buồn hoặc nước mắt tuôn rơi.
Bọn trẻ đã phải trả một giá quá đắt trong một cuộc xung đột vượt qua hiểu biết của chúng. Cuộc sống tan nát với nỗi đau, gia đình tha hương và li tán, bọn trẻ bị tước đi giáo dục và tương lai.
Tại Syria, ước có 7,5 triệu trẻ lớn lên mà không biết đến gì ngoài bom đạn, theo tổ chức Save the Children.
Tia hy vọng giữa chồng chất khó khăn
Ngôi trường vẫn mang những vết sẹo chiến tranh. Các phòng học giá lạnh trong nhiệt độ âm và việc sưởi ấm là xa xỉ khi mà giá nhiên liệu tăng cao ngất ngưởng.
Bàn học và ghế đều hư hỏng. Không có thiết bị giáo dục vốn thấy trong những trường học ở thế giới bên ngoài, từ laptop đến thư viện hay tiệm căng tin…
Thậm chí, hiệu trưởng cũng phải tìm một công việc làm thêm để phụ giúp gia đình. Sau 25 năm, một nữ giáo viên cho biết lương tháng là 80 USD và mức lương này đã không tăng trong 7 năm.
Học sinh trong vóc dáng còi cọc, với vầng mắt thâm quầng, quần áo rách rưới và giày thủng không đủ giữ ấm trong mùa đông.
Trong khi hầu hết trẻ tỏ ra vui sướng có cơ hội để bắt kịp với các trẻ khác, chúng cảm thấy xấu hổ và tự ti về tuổi tác và môi trường mới.
Theo kế hoạch khẩn cấp của UNICEF, kết hợp với Bộ Giáo dục “dạy đuổi” để học sinh có thể bắt kịp trẻ khác. Theo đó 2 năm học sẽ được dồn thành 1 và học 2 buổi/ ngày. Có 64 giáo viên mỗi ca và mỗi lớp có 40 – 50 học sinh. Trường này có 1.750 học sinh, gấp đôi sĩ số trước xung đột.