Bước ngoặt lớn
Báo chí nhà nước Syria cho biết, ngày 14/10, quân đội Chính phủ Syria đã tiến vào Ain Issa, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) chừng 30km về phía Nam. Thỏa thuận giữa Chính phủ với Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) của người Kurd đạt được hôm 13/10, sau khi Mỹ - đồng minh chính của người Kurd, nói rằng họ sẽ rút lực lượng còn lại khỏi phía Bắc Syria, và việc rút quân được Mỹ thực hiện hôm 13/10 khỏi các thị trấn Kobani và Ain Issa của Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Mỹ có khoảng 1.000 quân ở phía Bắc Syria, mắc kẹt giữa hai quân đội đối địch và không cách nào có thể ngăn cản được 15.000 lính TNK tiến quân về phía Nam.
Trong khi đó SDF đã đạt được thỏa thuận với quân đội Syria về việc triển khai quân đội dọc biên giới TNK. Các điều khoản chính xác trong thỏa thuận giữa Chính phủ Syria với SDF chưa được tiết lộ, có thể 4 ngày bị TNK tấn công dữ dội đã khiến người Kurd buộc phải thỏa thuận như vậy.
Với việc Syria đưa quân đến biên giới, sức ép với TNK sẽ gia tăng. Trước đây, Syria và TNK đôi khi có xung đột, nhưng quân đội chưa bao giờ tham chiến liên tục. Việc Syria đưa quân tới biên giới có thể là bước ngoặt trong cuộc tấn công của TNK vào miền Bắc Syria và có nguy cơ mở ra một mặt trận mới.
Hãng tin RT dẫn lời Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông Đại học Oklahoma nói rằng, Chính phủ Syria sẽ cố giành các mỏ dầu, mỏ khí, đất nông nghiệp ở vùng biên giới, nơi trước đây người Mỹ và người Kurd kiểm soát. Ông Landis lo ngại rằng, nếu không có các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ, một cuộc chiến toàn cục có thể nổ ra giữa TNK và Syria.
Việc Syria triển khai quân dọc biên giới cũng thể hiện một sự chuyển đổi đáng kể trong các liên minh ủng hộ người Kurd. Nhiều thập kỷ qua, các đảng chính của người Kurd ở Syria công khai từ chối chọn đứng về bên nào khi Syria rơi vào nội chiến năm 2011.
Năm 2015, lực lượng người Kurd trở thành đối tác quan trọng trên thực địa trong liên minh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu chống IS. Syria đã phản đối sự can thiệp của Mỹ, nước ủng hộ các cuộc nổi dậy chống ông Assad, và Syria cũng phản đối yêu sách tự trị của người Kurd. Nhưng nay Syria bất ngờ ủng hộ lực lượng người Kurd chống lại TNK.
TNK bắt đầu tấn công miền Bắc Syria từ tuần trước với mục đích đánh bật lực lượng người Kurd khỏi khu vực biên giới để tạo nên một “khu vực an toàn” 32km sâu vào trong lãnh thổ Syria. TNK hy vọng tái định cư 2 triệu người tị nạn Syria đang ở TNK về khu vực này. Trong những ngày cuối tuần, các vùng thuộc quyền kiểm soát của người Kurd đứng đầu hứng chịu những đợt bom dữ dội và TNK đã giành được 2 thị trấn biên giới quan trọng, hàng chục dân thường và chiến binh của cả hai phía đã chết.
Lại dùng đòn trừng phạt?
Cả cuộc tấn công của TNK và việc Mỹ rút quân đều bị quốc tế phản đối mạnh mẽ, bởi SDF là đồng minh chính của phương Tây trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Ông Trump đang hứng chịu những chỉ trích nặng nề kể cả từ những người ủng hộ tích cực nhất trong phe Cộng hòa, rằng ông đã bật đèn xanh cho Tổng thống TNK Tayyip Erdogan tấn công người Kurd, khi rút binh lính Mỹ khỏi khu vực biên giới TNK - Syria.
Bắt nguồn từ mục tiêu ông Trump đặt ra từ lâu, là đưa nước Mỹ khỏi “những cuộc chiến vô tận”, song quyết định của ông đã khiến hai đảng lo ngại rằng nó sẽ mở đường cho sự hồi sinh của lực lượng IS trong bối cảnh bất ổn. Hôm 13/10, các quan chức người Kurd nói rằng, gần 800 thân nhân của các thành viên IS người nước ngoài đã trốn khỏi một khu trại ở Ain Issa.
Dự kiến đầu tuần này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống lại TNK. Reuters cho rằng, đây là một trong số ít những đòn bẩy mà Mỹ vẫn còn với Thổ - một đồng minh NATO của Mỹ. Các quan chức Quốc phòng Mỹ nói rằng, sử dụng quân đội Mỹ để ngăn chặn cuộc tấn công của TNK không bao giờ là một lựa chọn. Trước đó, hôm 10/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Tổng thống Trump đã ủy nhiệm thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.
Đáp lại, Bộ ngoại giao TNK cuối tuần qua nói rằng, nước này sẽ trả đũa các bước đi ngăn cản các nỗ lực của họ nhằm chống khủng bố.
Mặc dù lệnh trừng phạt có vẻ là công cụ trả đũa mạnh nhất, song Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể cân nhắc việc cấm bán vũ khí cho TNK và đe dọa truy tố tội phạm chiến tranh. Từ hôm 11/10, Pháp đã thông báo ngừng mọi giao dịch bán vũ khí cho TNK và cảnh báo rằng, cuộc tấn công của Ankara ở miền Bắc Syria đe dọa đến an ninh châu Âu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến Tổng thống TNK Erdogan thay đổi ý định, bởi từ lâu ông Erdogan cho rằng, các chiến binh người Kurd ở Bắc Syria đe dọa đến an ninh quốc gia của TNK, và Ankara cho đây là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà TNK cho là lực lượng khủng bố.
“Đây là một thất bại mang tính biểu tượng cho nước Mỹ” - Aaron Stein, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nói. Reuters dẫn lời ông này cho rằng, Chính phủ Syria hoặc Nga - nếu Nga đưa một lượng đáng kể quân vào, chứ không phải lệnh trừng phạt của Mỹ, mới có thể chấm dứt chiến dịch tấn công của TNK.
Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng cho rằng, các lực lượng nước ngoài cần rút quân khỏi Syria, song Tổng thống TNK Erdogan nói rằng, Nga đến nay đã thể hiện một cách tiếp cận tích cực. Tuy nhiên với việc Syria đưa quân đến biên giới, vai trò của Nga có thể sẽ bị lung lay.