Suy thận, hỏng gan vì tự uống thuốc nam điều trị bệnh tiểu đường

GD&TĐ - Thông tin 2 trong số 3 bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu tử vong do tự ý uống thuốc “Tiểu đường hoàn” trị tiểu đường là cảnh báo cho những bệnh nhân mắc bệnh này mà đang tự ý dùng thuốc theo quảng cáo không theo lời khuyên của BS.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dùng thuốc liều lĩnh, trả giá bằng mạng sống

Trả lời Vietnamnet.vn, BS. Phạm Thế Thạch - Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, từ tháng 2/2018 đến nay, khoa tiếp nhận 3 bệnh nhân cấp cứu do sử dụng sản phẩm Tiểu đường hoàn trị tiểu đường, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Qua kết quả xét nghiệm thuốc cho thấy, 2/3 bệnh nhân sử dụng, các chuyên gia phát hiện có thành phần Phenphormin - hoạt chất đã bị thế giới cấm sử dụng từ năm 1978.

Trường hợp thứ nhất là nam giới, 57 tuổi ở Lạng Sơn có tiền sử bị tiểu đường nhiều năm. Tuy nhiên bệnh nhân này không điều trị Tây y mà tự ý mua thuốc Đông y để uống vì nghe quảng cáo thuốc này giúp kiểm soát đường huyết tốt với giá chỉ 50.000 đồng/gói/tháng.

Trường hợp thứ 2 là nam giới 66 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội), được chuyển vào BV Bạch Mai ngày 19/10 vừa qua trong tình trạng sốc nặng, tụt huyết áp rất nặng, dùng thuốc không lên, suy hô hấp, suy thận cấp, rối loạn chuyển hoá nặng.

Bệnh nhân có tiền sử bị đái tháo đường hơn 10 năm kèm tăng huyết áp, mỡ máu. Tuy nhiên ngoài dùng thuốc của bác sĩ kê, bệnh nhân này vẫn tự ý uống thêm viên Tiểu đường hoàn.

Là người nhiều năm kinh nghiệm điều trị bệnh tiểu đường và được giới chuyên môn đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về điều trị căn bệnh này, TS. Bác sỹ Hoàng Kim Ước - Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản, nguyên Phó Giám đốc phụ trách khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra cảnh báo mà bất cứ ai đang mắc căn bệnh này đều nên đặc biệt lưu tâm để tránh hậu quả đáng tiếc.

TS. Bác sỹ Hoàng Kim Ước

Suy thận, hỏng gan vì trị tiểu đường sai cách

TS. BS Hoàng Kim Ước cho biết: “Gần đây báo chí đã đưa tin có những bệnh nhân tiểu đường tử vong do điều trị bằng viên tiểu đường hoàn.

Hiện tại chưa có thống kê chính thức về hiện trạng này, nhưng qua quá trình khám chữa bệnh tôi cũng bắt gặp khá nhiều.

Bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) thường đến bệnh viện khám bệnh sau khi sử dụng các thuốc đông y, thuốc nam, thuốc hoàn, thuốc tễ khoảng 1-2 năm. Nhiều bệnh nhân trong số này bị suy thận, tổn thương thận, hoại tử tế bào gan,... và đường máu thì rất cao".

Nguyên nhân là do một số bệnh nhân sau khi được phát hiện bị bệnh tiểu đường, nhưng không được tư vấn đầy đủ, lại được những người không hiểu biết giới thiệu hay cò mồi nên đã tìm đến các thuốc điều trị không chính thống (thuốc bắc, thuốc nam) vì cho rằng các thuốc này không độc, điều trị hiệu quả, rẻ tiền (có bệnh nhân điều trị viên hoàn ở Hà Nội chỉ hết 200.000 đồng/tháng),...

Bệnh tiểu đường, cẩn trọng với mọi loại thuốc tự kê đơn

Đó là khuyến cáo của TS. BS Hoàng Kim Ước khi đề cập đến các phương thuốc giúp điều trị tiểu đường. Ông cho rằng, không loại trừ hoàn toàn vai trò của thuốc đông y, thuốc nam, thực phẩm chức năng trong điều trị bệnh tiểu đường, nhưng phải hiểu cho đúng là các thuốc này không thể dùng đơn độc để điều trị bệnh tiểu đường được mà chỉ có giá trị điều trị hỗ trợ.

Các viên thuốc hoàn, thuốc tễ không rõ thành phần, nguồn gốc được truyền tai nhau để điều trị tiểu đường thực sự rất nguy hiểm.

Không loại trừ những người “làm thuốc” đã trộn thêm các thuốc tiểu đường thế hệ cũ, không còn được lưu hành trên thị trường do nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như gây suy gan, thận, toan chuyển hóa,... Có thể một số trường hợp đã sử dụng các thuốc này nhưng chưa thấy ngộ độc gan, thận thì cũng là rất đặc biệt, hi hữu.

“Điều trị tốt bệnh tiểu đường cũng dựa trên thế kiềng ba chân. Điều trị bằng thuốc phải đúng và chuẩn, tùy từng cá thể mà có chỉ định dùng thuốc nào, dùng liều lượng bao nhiêu, đơn trị hay phối hợp, trước mắt và lâu dài,..;

Phải ăn uống hợp lý, lựa chọn các thực phẩm phù hợp, có chỉ số đường máu thấp, cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng; Tăng cường hoạt động thể lực để tăng sử dụng đường của cơ thể, tiêu thụ các năng lượng dư thừa;

Cần tránh xa các loại thuốc hay thực phẩm chức năng không chính thống, không rõ nguồn gốc dễ gây hại thêm cho cơ thể.” - TS. Bác sỹ Hoàng Kim Ước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.