Yếu tố sống còn

GD&TĐ - “Nới lỏng đầu vào, siết quá trình đào tạo và đầu ra” là cách thường nói về xu hướng bảo đảm chất lượng trong đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chúng ta hẳn còn nhớ, có thời kỳ học sinh phải rất khó khăn để giành được một suất vào đại học. Đỗ đại học như “tấm vé vàng” ghi nhận kết quả sau những tháng ngày dùi mài kinh sử, gian nan khổ luyện; cùng suy nghĩ chỉ cần đạt “đầu vào” là ăn chắc “đầu ra”, nên không ít tân sinh viên nảy sinh tâm lý “xả hơi” khi vào học đại học. Mô hình đào tạo hình trụ - vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu - từng là băn khoăn, trăn trở của các chuyên gia khi đóng góp tâm huyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Việc sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, phải đào tạo lại cũng là trăn trở của toàn xã hội, không chỉ người làm giáo dục.

Cũng chính vì tâm lý này, xã hội, đặc biệt là những người trong cuộc bất ngờ khi thông tin số lượng không nhỏ sinh viên bị buộc thôi học đại học được công bố trên báo chí. Năm 2018, dư luận xôn xao khi nhiều trường đại học ở TPHCM liên tục công bố danh sách sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ do có kết quả học tập kém. Năm 2019, trên báo Tuổi trẻ cũng thống kê các trường cảnh báo học vụ lên tới hàng trăm, hàng ngàn sinh viên và một tỉ lệ lớn trong số đó sau này bị buộc thôi học mỗi năm.

Đơn cử, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM khi đó có quy mô đào tạo gần 10.000 sinh viên, sau mỗi học kỳ có khoảng 400 sinh viên bị cảnh báo học vụ; số sinh viên bị buộc thôi học sau 2 lần liên tiếp cảnh báo học vụ khoảng 200. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mỗi năm có khoảng 400 sinh viên bị buộc thôi học... Trả lời trong ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2021 mới đây, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cũng thông tin, trung bình mỗi năm, khoảng 700 - 800 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học, đa số do không đáp ứng được quy chế của trường. Các trường kỹ thuật khác như ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải.. cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học không ít hơn con số 700 - 800 em/năm…

Có thể nói, việc bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo để chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội là nỗ lực của cả hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt vài năm trở lại đây. Hiện Bộ GD&ĐT cũng không còn quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trong tuyển sinh đại học (trừ ngành sư phạm và sức khỏe).

Tuy nhiên, nói “nới lỏng” đầu vào không có nghĩa là “xả van”, mà mỗi trường đều chủ động đưa ra hàng rào kỹ thuật để chọn được người học phù hợp. Xu hướng thấy rõ là hiện nay phương thức tuyển sinh của các trường ngày càng phong phú, không chỉ “đồng phục” dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuyển được người học phù hợp là một trong những nhân tố giúp tạo nên chất lượng; cùng với việc tuân thủ quy trình bảo đảm chất lượng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học khẳng định quyền tự chủ của các trường; cùng với đó là những quy định rất rõ ràng để siết đầu ra, bảo đảm chất lượng đào tạo. Các chuyên gia giáo dục cũng đưa nhiều giải pháp nhằm bảo đảm và phát triển chất lượng giáo dục đại học. Trong đó có kiểm định đại học; tiếp đến là bảo đảm chất lượng thông qua quản lý chương trình đào tạo, quy chế đào tạo và quy chế thi cử của các đơn vị đào tạo. Quản lý các trường đại học bằng chuẩn cũng là một việc làm cần thiết để chuẩn hóa, và là giải pháp tối ưu để bảo đảm chất lượng giáo dục bền vững…

Hành lang pháp lý về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học đã rõ. Tuy nhiên, các trường thực hiện việc này không phải chỉ để cho đúng với các quy định của quản lý Nhà nước mà vì sự sống còn của chính mình. Bởi chỉ có chất lượng thực sự mới giúp trường thu hút được sinh viên, bảo đảm nhịp độ phát triển bền vững. Nếu sinh viên ra trường không bảo đảm chất lượng, đơn vị sử dụng lao động quay lưng với “sản phẩm” của nhà trường sẽ khó có thể trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ