Xã hội hóa hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Những ngày này, sau khi kết thúc thi giữa kỳ, nhiều trường học trên cả nước đã và đang náo nức triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm, kết hợp với hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hoạt động trải nghiệm được đưa vào Chương trình GDPT 2018, trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc, xuyên suốt các cấp học. Trước đó, để đón đầu chương trình mới, nhiều trường học trong cả nước đẩy mạnh hoạt động này với nhiều chuyên đề, kế hoạch hấp dẫn và hiệu quả.

Những mô hình cho học sinh tiểu học làm bánh dân gian ở Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều – TP Cần Thơ); học sinh tự thiết kế và lắp ráp đèn bàn sử dụng năng lượng mặt trời để tặng cho các bạn nhỏ miền núi ở Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc (quận Phú Nhuận, TPHCM) hay phối hợp với phụ huynh có kinh nghiệm đến trường dạy học sinh dệt đồ thổ cẩm, thêu thùa may vá tại Trường Tiểu học Lao Chải, xã Lao Chải (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai)… góp phần bồi dưỡng phẩm chất, phát triển năng lực cho người học, được giáo viên, học sinh và phụ huynh đánh giá cao.

Dù là chương trình quy định trong nhà trường nhưng thực tế cho thấy việc đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm cho học sinh thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Ngoại trừ hoạt động như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp tổ chức trong nhà trường hay hình thức trải nghiệm có tính cống hiến như tình nguyện nhân đạo, lao động công ích ít tốn kém, đa số các hoạt động theo hình thức khám phá như tham quan, cắm trại, thực địa… lại rất cần kinh phí, bởi phải tổ chức chặt chẽ, liên quan đến nhiều dịch vụ ngoài nhà trường.

Để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong mảng giáo dục phát triển các chương trình khám phá trải nghiệm cho học sinh. Trang trại giáo dục Erahouse (quận Long Biên, Hà Nội); HTX Nông nghiệp Hoa Sen (xã Tiền An, TX Quảng Yên, Quảng Ninh); Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hay mới đây là Khu sinh thái giáo dục Về Quê với chuyến xe Trải nghiệm ở TPHCM… là những cái tên vẫn được thường nhắc đến.

Nhờ sự vào cuộc của các đơn vị dịch vụ phối hợp với nhà trường, tham gia chia sẻ kinh phí của phụ huynh, hoạt động trải nghiệm mang tính khám phá ngoài nhà trường ngày càng phong phú, mang hiệu quả giáo dục cao.

Tuy vậy, bên cạnh những hoạt động trải nghiệm uy tín về nội dung chuyên môn, chất lượng về mặt dịch vụ, thực tế vẫn còn tồn tại không ít chương trình bị phụ huynh phản ánh có dấu hiệu biến tướng lạm thu.

Tình trạng cùng một chương trình, một tuyến khám phá nhưng giá mỗi nơi một kiểu là có thật. Không chỉ “loạn giá”, vẫn còn một số trường chưa đề ra mục đích rõ ràng, học sinh phải đạt được cái gì sau chuyến đi, nên hoạt động trải nghiệm chỉ đơn thuần là nộp tiền để… đi du lịch. Có trường tổ chức một năm 2 - 3 lần, nhưng nội dung không sát thực. 

Trong điều kiện ngân sách dành cho giáo dục có hạn nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh theo tinh thần Chương trình GDPT 2018, việc xã hội hóa hoạt động trải nghiệm là cần thiết. Trong một chỉ đạo liên quan đến tháo gỡ khó khăn biên chế giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng đã có định hướng sẽ thực hiện xã hội hóa giáo dục ở các nội dung theo nhu cầu người học, trong đó có hoạt động trải nghiệm.  

Để có thể xã hội hóa hoạt động trải nghiệm một cách hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, bên cạnh quan tâm đến chất lượng chương trình, việc công khai các hoạt động theo chương trình chính khóa, minh bạch các khoản thu đối với những hoạt động theo nhu cầu phụ huynh, thực hiện nghiêm túc Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT “Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh” là yêu cầu bắt buộc với các nhà trường.

Nếu không làm tốt công tác xã hội hóa, sau câu chuyện sốt quỹ phụ huynh đầu năm, sẽ khó tránh khỏi nóng quỹ tham quan, trải nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ