Vì quyền lợi của giáo viên

GD&TĐ - Bộ Nội vụ có những đề xuất đáng chú ý liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một số đề xuất quan trọng trong đó được Bộ GD&ĐT nhiều lần kiến nghị, thậm chí Bộ GD&ĐT đã đi trước như việc bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trong số các đề xuất của Bộ Nội vụ, việc giảm 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức được chú ý. Bởi câu chuyện về chứng chỉ luôn được đội ngũ viên chức - mà chiếm phần lớn là viên chức ngành Giáo dục - rất quan tâm.

Theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức gồm 3 nhóm: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

Các chứng chỉ bồi dưỡng với viên chức ngành Giáo dục tuân thủ theo 3 nhóm trên và được cụ thể hóa thành 5 loại chứng chỉ. Trong đó có: Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên, giảng viên và một số nhân viên đặc thù của ngành Giáo dục; Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh giám đốc/phó giám đốc, trưởng phòng/phó phòng GD&ĐT; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục; Chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông; Chứng chỉ bồi dưỡng viên chức kiêm nhiệm.

Theo đó, 2 loại chứng chỉ bắt buộc với giáo viên là: Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN và chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên. Giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN mới được bổ nhiệm vào hạng hoặc thăng lên hạng cao hơn liền kề. Đồng thời, hằng năm thầy cô đều phải thực hiện bồi dưỡng thường xuyên 120 tiết - đây là yêu cầu bắt buộc với giáo viên để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Quy định này được thực hiện từ năm 2012. Trên thực tế, 2 chương trình này không tránh khỏi trùng lặp, do quy định “cứng” về thời gian thực hiện mà Nghị định 101 bắt buộc các chương trình phải tuân thủ. Trong khi đó, hầu hết thầy cô tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN phải tự túc kinh phí; không phải miễn phí như bồi dưỡng thường xuyên.

Trước thực tế này, cũng như từ mong mỏi của đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT đã 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề xuất: Viên chức ngành Giáo dục được phép sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Đề xuất này đã được Bộ Nội vụ tiếp thu, thể hiện trong báo cáo số 2499/BNV-CCVC gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Cũng cần hiểu rõ, đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ mới là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên, giảng viên. Cụ thể, giảm 13/20 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên hiện có. Như vậy, mỗi cấp học, thay vì có 3 chứng chỉ bồi dưỡng ở 3 hạng chức danh nghề nghiệp như hiện nay, sẽ chỉ còn 1 chứng chỉ bồi dưỡng.

Hiện, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của viên chức được sử dụng với 2 mục đích: Điều kiện để bổ nhiệm hạng và điều kiện để thăng hạng. Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN sẽ chỉ còn sử dụng vào mục đích thứ 2 là phục vụ việc thăng hạng. Mà thăng hạng là không bắt buộc với tất cả viên chức. Do đó, tham gia bồi dưỡng và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN với giáo viên là không bắt buộc. Trường hợp giáo viên vẫn có nhu cầu thăng hạng, việc học chứng chỉ bồi dưỡng sẽ được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả hơn.

Có thể nói, không còn quy định “bắt buộc” về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là hợp lý, bởi lẽ trong quy định về nội dung thi/xét thăng hạng đã có các bài kiểm tra, sát hạch liên quan đến kiến thức đã học trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Chưa kể, yếu tố quan trọng nhất của việc thăng hạng viên chức chính là sự phấn đấu, tu dưỡng và được khẳng định ở kết quả, hiệu quả làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ