“Thanh bảo kiếm” ở đâu?

GD&TĐ - Công khai, minh bạch là “thanh bảo kiếm” chữa lành các vết thương. Đây là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường, từng bước công khai, minh bạch về giá thiết bị y tế - khẳng định của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại lễ ra mắt Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế diễn ra mới đây.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Việc “thổi giá” khi mua sắm các thiết bị y tế có không? Chắc chắn là có, chỉ có điều là ít hay nhiều, đã bị lộ hay chưa mà thôi. Dẫn chứng cho nhận định này là việc cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và một số cán bộ bị truy tố vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp theo đó, nhiều địa phương cũng phát hiện “có vấn đề” trong mua sắm và cách hình thức xử lý cũng không giống nhau như từ mua chuyển sang cho mượn, hoặc tài trợ thêm các chế phẩm...

Vậy, vì sao giá trang thiết bị y tế lại “bí ẩn” và dễ bị “thổi giá” như vậy? Chủ tịch Hội đồng quản trị một bệnh viện lý giải: Thông tư 15 quy định giá thẩm định có thể dựa vào giá máy móc đã tồn tại trên thị trường, nhưng giá trên thị trường có đúng không thì không ai trả lời được.

Hoặc với thiết bị chưa có trên thị trường thì buộc phải thuê cơ quan thẩm định độc lập nhưng chính khâu thẩm định lại đẩy giá... Kẽ hở lớn nhất chính là đầu tư trang thiết bị với tư cách tư nhân, nhưng lại đưa vào sử dụng trong môi trường công.

Còn Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế thì cho rằng, Bộ đã phân cấp mua sắm trang thiết bị rõ ràng từ khâu lên kế hoạch, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, định mức và tiêu chuẩn sử dụng cho các đơn vị.

Bộ chỉ quản lý những gì thật cần thiết, liên quan đến chức năng và nhiệm vụ của Bộ. Đơn vị sử dụng phải là người nằm bắt rất rõ nhu cầu, khả năng khai thác sử dụng và điều kiện khai thác sử dụng nên “họ” là người đề xuất nhu cầu mua, mua cái gì, mua ra sao.

Như vậy, có thể khẳng định ngoài việc giá các thiết bị y tế “như ma trận”, không biết lối nào mà lần vì còn rất nhiều “phụ kiện” đi kèm - như một ý kiến đã phát biểu trên báo chí đại ý người ta không cần bán máy, chỉ cần “đưa” được máy vào bệnh viện, sau đó bán các vật tư, thiết bị cũng đã có lãi thì vấn đề mấu chốt ở đây là sự công khai, minh bạch và khâu đấu thầu đang “rất có vấn đề”, việc xây dựng các định mức cũng chưa rõ ràng.

Muốn mua được thiết bị đúng giá trị thực thực thì bắt buộc phải công khai, minh bạch thực chất, không hình thức. Thế nhưng, việc này nói thì dễ, nhưng khi thực hiện sẽ có rất nhiều cái vướng. Nhưng dù khó thì cũng phải làm, tránh tình trạng như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã từng phát biểu: “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa, từ liều vắc xin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm”.

Nâng giá thiết bị y tế: Sự thật có phần “bất nhẫn” này càng quá đáng hơn khi những người bệnh vốn đã khó, đã khổ, nay lại phải oằn lưng “cõng” thêm những khoản chi phí không chính thức. Ngân sách cũng thiệt hại số tiền không nhỏ và quan trọng hơn là mất cán bộ, mất niềm tin. Vậy nên, khi “bảo kiếm” được mang ra dùng hẳn sẽ ngăn chặn triệt để được nâng giá – hành động vốn bị coi là “táng tận lương tâm” đối với những người làm việc trong ngành y.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ