Từ vụ nâng khống thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai: Thuốc nào chống “móc túi” người bệnh?

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, thị trường trang thiết bị y tế tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, chủ yếu là nhập khẩu. Thời gian qua, đã diễn ra tình trạng “thổi giá thiết bị y tế”, cần phải có thuốc đặc trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Công khai giá trên mạng Internet

Để khắc phục tình trạng thổi giá trang thiết bị y tế, ngày 9/9, Bộ Y tế tổ chức khai trương cổng thông tin giá trang thiết bị y tế. Theo đó, giá các thiết bị y tế được công khai kèm cấu hình, tính năng kỹ thuật và các yếu tố cấu thành giá. Những thông tin này giúp các cơ sở y tế tham khảo, lập dự toán phù hợp, khắc phục tình trạng đội giá trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Từ tháng 4 đến nay, Bộ Y tế đã công khai kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế trên cổng thông tin. Có 50 nghìn trang thiết bị y tế được công khai giá trúng thầu, làm cơ sở cho các cơ quan chức năng và bệnh viện tra cứu, góp phần lành mạnh hóa thị trường. Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ liên kết với hải quan để thông tin đầy đủ giá nhập khẩu các thiết bị y tế về Việt Nam giúp minh bạch toàn bộ quá trình mua sắm y tế.

Trang thiết bị y tế là hàng hóa đặc thù, đa dạng về chủng loại mẫu mã, thế hệ công nghệ luôn thay đổi cập nhật, giá cả phụ thuộc vào quy cách đóng gói, mục đích sử dụng, hãng, nước sản xuất và do việc đấu thầu định giá cuối cùng. Xuất phát từ những lý do trên, yêu cầu công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế đã được Chính phủ và Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện để giúp cho thị trường thiết bị y tế lành mạnh, phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cổng thông tin khai giá trang thiết bị y tế giúp cho các bệnh viện rất nhiều. Đó là cơ sở pháp lý cho các cơ sở y tế có thể tham khảo giá trong quá trình xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế. Đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động đầu tư của ngành y tế trong phạm vi cả nước.

Chia sẻ về “giải pháp đặc trị” thổi giá thiết bị y tế, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, công khai giá là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cần có thời gian. Tuy nhiên, những thông tin về giá thiết bị y tế kèm cấu hình, tính năng kỹ thuật và các yếu tố cấu thành xác định giá... được công khai trên cổng thông tin sẽ giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế có thêm kênh tham khảo, lập dự toán phù hợp khi thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Ngoài vấn đề giá, ông Nguyễn Minh Tuấn cũng khẳng định, lĩnh vực thiết bị y tế quá rộng lớn với 15.000 chủng loại mặt hàng. Mỗi sản phẩm lại có mức rủi ro khác nhau, không có giới hạn về nguyên vật liệu sản xuất hay chỉ định mục đích sử dụng. “Vậy nên, để quản lý tốt đòi hỏi phải phân loại rõ ràng về mức độ rủi ro trên cơ sở xây dựng danh mục thiết bị y tế vừa đảm bảo tính khả thi vừa thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời vẫn phải bảo đảm kiểm soát chặt, hạn chế sản phẩm kém chất lượng lưu thông, ảnh hưởng tới quá trình khám chữa bệnh”, ông Tuấn chia sẻ.

Cận kề cái chết, giá cao cũng đành móc túi

Đối với người bệnh, dược phẩm và các chi phí y tế khác là sản phẩm đặc thù, nói giá bao nhiêu thì biết vậy. Bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng vào người chữa bệnh, tin tưởng vào Nhà nước, nhất là đối với bệnh viện công, lớn như Bệnh viện Bạch Mai. Mặc dù là người sử dụng dịch vụ, nhưng với đặc thù của loại hình, gần như người bệnh không có nhiều sự lựa chọn. Trong thời gian chữa bệnh, cận kề cái chết thì người bệnh chỉ tìm mọi cách lo viện phí, giá bao nhiêu cũng phải trả, trừ khi không lo được nữa mới đành trở về nhà. Do đó, để hạn chế được tình trạng ngang nhiên “móc túi” như vụ việc này là rất khó.

Để bảo đảm quyền lợi của mình, người bệnh khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế hoàn toàn có thể yêu cầu đội ngũ y, bác sĩ tư vấn. Các nội dung chính như về phí dịch vụ, chi phí điều trị, khám chữa bệnh… Cái nào bảo hiểm sẽ chi trả, cái nào cần phải tự thanh toán… để có những cân nhắc phù hợp.

Khi có những băn khoăn, thắc mắc hay bức xúc liên quan đến dịch vụ y tế, người bệnh hoàn toàn có thể phản ánh ý kiến, nguyện vọng qua hòm thư truyền thống hay các hình thức điện tử để bệnh viện xem xét, giải quyết. Ngoài ra, nếu thấy dịch vụ y tế có những vấn đề khác, người bệnh hoàn toàn có thể phản ánh với cơ quan chức năng để họ vào cuộc, xác minh nội dung người dân phản ánh.

Thay đổi các quy định pháp lý

Hiện tại, phân cấp đầu tư mua sắm rất mạnh ở cả Trung ương và địa phương. Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế. Các đơn vị sử dụng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện mua sắm và quản lý hiệu quả sử dụng.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 10/7 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14 hướng dẫn về đấu thầu trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập. Để đấu thầu trang thiết bị thì giá trang thiết bị là một yếu tố quan trọng. Còn để quản lý giá thì việc công khai minh bạch giá trang thiết bị trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế là một biện pháp quản lý hữu hiệu.

Cùng với đó, phải tách bạch nguồn đầu tư công - tư một cách rõ ràng để mọi nguồn lực đầu tư cho y tế đều đúng mục tiêu, sử dụng đúng mục đích, nhằm mang lợi ích cho người bệnh. Cần thiết phải có một chế định pháp lý hình sự chặt chẽ và chi tiết để xử lý nghiêm nhóm hành vi trái pháp luật liên quan đến hoạt động y tế nói chung và mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế nói riêng.

Luật sư Nguyễn Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 hiện nay chưa có quy định về loại tội phạm liên quan đến trục lợi thiết bị y tế như vụ việc này. Hành vi nâng khống giá thiết bị để chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an khởi tố, điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Bộ luật Hình sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ