Sau vụ nâng khống giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế yêu cầu minh bạch về giá

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, ngày 9/9, Bộ Y tế sẽ khai trương cổng thông tin giá trang thiết bị y tế. Từ đó sẽ yêu cầu các nhà cung cấp, đơn vị ủy quyền cung cấp giá là căn cứ cho việc xây dựng giá trang thiết bị y tế khi xây dựng hồ sơ đấu thầu. 

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng cấu hình tính năng để chuẩn hóa đối với giá trang thiết bị y tế. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư về một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 1/9. Theo đó, khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế. 

Cụ thể, giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể.

Đối với những trang thiết bị y tế chưa có giá trúng thầu được đăng tải, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ theo các tài liệu hướng dẫn của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đấu thầu có liên quan về xây dựng giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. 

Giá gói thầu được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án, giá gói thầu là tổng giá trị của gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. 

Nhiều đơn vị gặp khó khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế

Trang thiết bị y tế không phải là mặt hàng quản lý giá, không phải kê khai giá như với mặt hàng thuốc. Vì thế, khi mua sắm, đấu thầu các cơ sở y tế không có căn cứ giá để so sánh. 

Đơn cử như trong đợt dịch Covid-19 thứ 2 vừa qua, trong nhiều cuộc họp Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng tốc vấn đề xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn loay hoay trong vấn đề mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế liên quan vì "không có giá để so sánh, để tham khảo". 

Theo lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội, khi mua sắm bệnh viện chỉ tiếp nhận các thiết bị y tế dựa trên giấy tờ, hồ sơ và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. Bệnh viện không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất với những thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, bảo đảm chất lượng thì sẽ được lựa chọn.

Cũng vì thế, nhiều người kỳ vọng với sự ra đời của cổng thông tin về giá trang thiết bị y tế sẽ một phần nào đó khắc phục những tồn tại hiện có.

Xã hội hóa y tế là chủ chương rất lớn, nhờ đó các bệnh viện có được nhiều trang thiết bị hiện đại, phát triển kỹ thuật mới, cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn. Xã hội hóa thường dưới 2 hình thức chủ yếu là liên doanh liên kết trang thiết bị máy móc hoặc đặt máy. 

Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế được đánh giá là một trong những hoạt động hiệu quả, giúp người dân được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên thời gian qua hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập với rất nhiều hình thức liên kết, xã hội hóa.

Liên quan đến vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có một số cá nhân của Công ty cổ phần công nghệ y tế và Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Cụ thể, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Trong các năm từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca, chi phí chênh lệch các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ