Tết đến lại lo hài nhảm

GD&TĐ - Phim hài nhưng không cười nổi, ngược lại nó còn làm người xem xấu hổ. Thậm chí, hài nhảm làm đảo lộn văn hoá, bôi bác phong tục làng quê.

Đến hẹn lại lên, càng gần Tết lại càng nhiều phim hài được trình chiếu trên các nền tảng của mạng xã hội. Nhẽ ra, đó là tín hiệu đáng mừng vì nền điện ảnh phát triển. Nhưng không, nó lại là một mối lo, một mối hoạ và thậm chí nó còn là một quả bom nổ chậm “ghim cắm” vào tư duy người xem.

Có thể nói, loại hài nhảm và nhạt nhẽo, lố lăng mới bắt đầu xuất hiện cách đây vài năm. Tuy thời gian rất ngắn, nhưng sức “công phá” làm vấy bẩn tâm hồn, nhận thức người xem lại rất lớn.

Những cái tên phim như: Đại gia chân đất, Tết vui phết – Mr Lù, Làng ế vợ, Bản nhiều vợ… ra đời nhằm quảng cáo cho một số nhãn hàng, sản phẩm. Dù có những diễn viên tên tuổi thủ vai, nhưng do tư duy “ăn xổi” câu khách, cùng kịch bản lố lăng đã khiến phim hài trở thành thảm hoạ.

Cảnh khoe thân của kiều nữ tràn ngập, những câu nói bông đùa vô văn hoá nhan nhản. Nội dung phản cảm, hạ thấp nhân cách người nhà quê và làm méo mó các giá trị văn hoá làng.

Hình như chính tư duy của đạo diễn phim hài nhảm cũng có vấn đề. Cảnh người quê bao giờ cũng bị gắn cái hình thể vổ váo, sứt môi lồi rốn, ngọng nghịu, thô kệch… cho đến ngu đần, hám của. Đám trai làng thì bao giờ cũng ăn không ngồi rồi, tụ tập kéo bè kết cánh giành giữ gái làng, đánh nhau loạn xạ.

Sự lệch lạc trong tư duy, cẩu thả trong kịch bản, sống sượng trong lối diễn… không chỉ gây bức xúc cho người xem, mà nhiều phụ huynh vô cùng lo ngại e sợ con em mình vô tình xem phải.

Một trong những điều đáng sợ là khi cái nhảm nhí được công chiếu rộng rãi sẽ thành cái đúng, cái hay. Cho nên, nếu ai phải di chuyển nhiều bằng xe khách liên tỉnh sẽ thấy nhà xe rất hay mở các loại hài nhảm này cho khách xem. Và nếu để ý, trong khi những người có tuổi phải cúi mặt xuống, bịt tai lại thì lớp trẻ lại ngửa mặt cười hô hố, sảng khoái với cái nhảm nhí kia!?

Văn hoá nói chung, văn hoá làng nói riêng là thứ thiêng liêng, nhẽ ra cần quảng bá phát huy. Đằng này lại trở thành thứ bạc nhược cho phường hài nhảm đem ra bôi bác, giẫm đạp.

Trong khi nghệ sĩ biện minh cho sản phẩm hài của mình là chất lượng, góp công đẩy lùi tệ nạn, còn khán giả thì bức xúc phản đối đã gây ra những cuộc tranh cãi không hồi kết. 

Phim hài chất lượng phải đủ yếu tố nhân văn, gây được tiếng cười sâu cay chứ không phải cứ “qua mắt” được kiểm duyệt đã đạt chất lượng. Khán giả sẽ là những người kiểm duyệt khắt khe và đúng đắn nhất. Nếu sản phẩm hài ấy không phải nhảm nhí thì hãy công chiếu trong rạp để lấy lượng khán giả làm thước đo công bằng.

Điều chắc chắn rằng, hài nhảm sẽ không thu hút được khán giả, cũng như không có “cửa” để công chiếu trong rạp. Họ buộc công chiếu rộng khắp trên các nền tảng của mạng xã hội, theo yêu cầu của nhà tài trợ - vì mục đích lợi nhuận.

Để hài nhảm không còn là con virus phá hoại văn hoá, cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn trong việc kiểm duyệt. Còn khán giả - yếu tố tiên quyết, có thể nói không với hài nhảm. Hành khách trên xe có thể yêu cầu tài xế không mở những phim hài nhố nhăng ảnh hưởng đến “thượng đế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ