Khởi đầu thuận lợi

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh, phương án tổ chức kỳ thi năm nay chắc chắn vẫn trên tinh thần chủ động áp dụng các biện pháp để kỳ thi diễn ra an toàn cho sĩ tử và những người tham gia công tác tổ chức thi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong các năm 2020 và 2021, để ứng phó với những tình huống thiên tai, nhất là diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT đã phối hợp hiệu quả với các bộ ngành, địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh.

Theo đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung; các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi tại địa phương. Thời gian tổ chức thi được xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại các địa phương và trên phạm vi toàn quốc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021 được tổ chức thành công, bảo đảm mục tiêu “kép”: Kết quả thi nghiêm túc, công bằng, khách quan; đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, thiên tai cho học sinh, giáo viên và toàn bộ lực lượng tham gia tổ chức thi. Do đó, phương thức tổ chức này sẽ tiếp tục được áp dụng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn 2022 - 2025.

So với 2 năm qua, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có thể nhìn thấy rõ những thuận lợi khi dịch bệnh không còn là nỗi ám ảnh, mọi hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường. Phương án thi ổn định và vẫn áp dụng Quy chế thi ban hành theo Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BGDĐT ngày 4/5/2021 của Bộ GD&ĐT nên không tạo ra bất kỳ xáo trộn nào. Bộ GD&ĐT đã ban hành đề thi tham khảo; hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Hiện các trường THPT đều hoàn thành chương trình lớp 12 và bước vào giai đoạn ôn tập nước rút.

Triển khai công tác liên quan Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD&ĐT, một số công việc đã hoàn thành, như tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi; lập và giao tài khoản cho thí sinh đang học lớp 12 để tiến hành đăng ký dự thi trực tuyến; các tỉnh/thành ban hành hướng dẫn tổ chức kỳ thi tại địa phương…

Dù lần đầu tiên triển khai đăng ký dự thi trực tuyến nhưng mọi việc vẫn diễn ra thuận lợi. Hệ thống được ghi nhận hoạt động ổn định, thông suốt với hơn 355 nghìn thí sinh đã đăng ký dự thi tính đến 17 giờ 21 phút, ngày 5/5. Bên cạnh đăng ký dự thi, công nghệ thông tin tiếp tục được ứng dụng toàn diện trong các khâu khác của kỳ thi, phần mềm quản lý thi, chấm thi, công bố kết quả thi...

Thời điểm này, một số tỉnh đã dự kiến các Điểm thi; theo đó Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học, giúp các em không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. Đây cũng là cách làm trong tổ chức kỳ thi hai năm qua và chắc rằng tiếp tục được thực hiện trong năm nay.

Trước 13/5, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT được thành lập, với sự tham gia đầy đủ của sở, ban, ngành liên quan. Như năm 2021, nhiều tỉnh/thành thành lập Ban Chỉ đạo thi tới cấp huyện; nhiều địa phương ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc Chỉ thị của chủ tịch UBND tỉnh/thành phố về việc tổ chức kỳ thi, qua đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia tổ chức, hỗ trợ.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ Y tế về việc góp ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã nhận được phản hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh, phương án tổ chức kỳ thi năm nay chắc chắn vẫn trên tinh thần chủ động áp dụng các biện pháp để kỳ thi diễn ra an toàn cho sĩ tử và những người tham gia công tác tổ chức thi, tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh được tham dự kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.