Đừng lo cho người tiêu dùng

GD&TĐ - Cứ sau Tết Âm lịch là nông dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bước vào mùa thu hoạch tỏi. Đây cũng là thời điểm mà những người trồng tỏi ở Khánh Hoà chở tỏi ra đảo Lý Sơn để bán.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo phản ánh của người trồng tỏi Lý Sơn, sở dĩ có chuyện lạ này là vì “tỏi Lý Sơn chất lượng hơn các nơi nên giá bán cao hơn. Người dân các nơi mang tỏi ra đảo để trà trộn vào tỏi bản địa để bán”.

Cũng cần nhắc lại rằng, cây tỏi có nguồn gốc ở Lý Sơn được chính những con em của hòn đảo này mang vào trồng ở Khánh Hòa, biến tỉnh này trở thành địa phương có diện tích tỏi lớn nhất nước với 600 héc-ta, gấp đôi diện tích tỏi Lý Sơn hiện nay.

Cũng canh tác theo một quy trình như ở đảo Lý Sơn: Đất đỏ được lấy từ núi lửa xuống “lót nền” và cát lấy từ biển lên “bón lót” trước khi đặt tép tỏi giống xuống, thậm chí củ tỏi ở Khánh Hoà trông bắt mắt vì đầy đặn hơn, song người ta rỉ tai nhau rằng tỏi Lý Sơn “chất lượng” hơn các nơi.

Cũng là truyền miệng với nhau chứ cũng chưa có cơ quan nào chứng minh cho rõ ngọn nguồn tỏi nào chất lượng hơn. Chính việc “rỉ tai” như thế nên mới có chuyện chở ngược tỏi ra “vương quốc tỏi” để bán!

Nhân danh “bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn”, mới đây, một ông Phó Chủ tịch huyện này gửi công văn yêu cầu Bưu chính viễn thông (VNPT) đừng chở tỏi các nơi ra Lý Sơn! Sự nhầm lẫn về chức năng của VNPT khiến ông Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo phải ra một quyết định khác để thu hồi quyết định “nhầm lẫn” kia. Khoan nói đến sự nhầm lẫn nói trên, chỉ nói đến việc dùng mệnh lệnh hành chính để cấm cản buôn bán, trong khi tỏi là mặt hàng không phải cấm, thì lại càng không đúng.

Người tiêu dùng hôm nay “thông minh” hơn cách nghĩ của các nhà quản lý. Củ tỏi chứ có phải… thuốc chữa bệnh đâu mà phải uống rồi mới biết thuốc thật hay giả! Nếu tỏi Lý Sơn thật sự chất lượng, nó là một “cõi riêng” thì người tiêu dùng sẽ có cách để phân biệt với các loại tỏi khác. Cứ để cạnh tranh lành mạnh đi thì chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên thôi.

Rất nhiều người mang tỏi Ninh Hoà về Lý Sơn để bán công khai, hoàn toàn không “núp bóng” tỏi Lý Sơn nhưng vẫn tiêu thụ mạnh. Lý do là giá rẻ hơn mà chất lượng thì không thua kém gì tỏi Lý Sơn cả. Không nên độc quyền bán sản phẩn cho người tiêu dùng bằng biện pháp hành chính như vậy. Tỏi Lý Sơn cứ bán giá như tỏi Khánh Hoà, chắc chắn tỏi các nơi khác nhập về đảo sẽ hết đất sống.

Từ nhiều năm qua, tại Đà Lạt cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thương lái nhập khoai tây Trung Quốc về rồi trộn với đất đỏ Đà Lạt xong mang ra chợ bán, bảo là “khoai tây Đà Lạt”. Chính quyền thành phố này cũng đã từng dùng biện pháp hành chính như kiểu Lý Sơn nhưng rồi cũng không giải quyết được cái gốc của câu chuyện.

Chúng ta phải trả lời được câu hỏi, vì sao khoai tây Trung Quốc vượt mấy nghìn cây số để có mặt tại Đà Lạt mà giá bán vẫn rẻ hơn? Còn chất lượng thì để người tiêu dùng chọn lựa. Họ chỉ có thể nhầm một lần chứ không thể nhầm mãi được. Còn nếu khó phân biệt về chất lượng giữa hai loại khoai tây thì cũng có nghĩa là chất lượng đã như nhau nên khoai nào rẻ hơn thì được chọn. Thế thôi.

Chính quyền nên lo việc khác, dừng can dự vào sự chọn lựa của người tiêu dùng, miễn là không bán hàng giả là được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.