Muôn màu đại nhạc hội
Theo cách hiểu thông thường, đại nhạc hội là những chương trình âm nhạc hoành tráng, được tổ chức quy mô lớn với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, thu hút hàng nghìn khán giả.
Với vị thế đặc biệt của mình, công chúng Hà Nội sớm tiếp cận các loại hình âm nhạc mới mẻ trên thế giới và đón nhận nó theo những cách riêng. Những buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời thu hút đông đảo khán giả nhất ở Hà Nội được bắt đầu với nhạc rock.
Trong cuốn hồi ký Bên kia Bức tường, cố ca sĩ Trần Lập kể về những buổi biểu diễn thu hút hơn 3 nghìn sinh viên các trường đại học tại Hà Nội những năm 1995 - 1996. Đặc biệt, trong giai đoạn này có đêm nhạc The Beatles đã thu hút hơn 10 nghìn khán giả tại sân vận động Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các ban nhạc thế hệ đầu tiên sở hữu những đêm nhạc ngoài trời có số người xem lên tới hàng nghìn khán giả và đặc biệt phát triển rực rỡ vào khoảng những năm 2000 - 2008.
Khi rock thoái trào, khán giả trẻ Hà Nội bắt đầu được làm quen với những liên hoan âm nhạc quốc tế thường niên như Liên hoan Âm nhạc quốc tế CAMA, Liên hoan Âm thanh Hà Nội - Hanoi Sound Stuff… với sự tham gia của nhiều ban nhạc, nghệ sĩ nước ngoài. Đặc biệt, Liên hoan Âm thanh Hà Nội - Hanoi Sound Stuff được tổ chức tiên tục từ năm 2008 - 2015 đã mang đến cho công chúng Hà Nội cái nhìn toàn diện hơn về nhạc điện tử với những đêm nhạc sôi động thu hút hàng nghìn khán giả trẻ.
Tháng 11/2014, công chúng lại bất ngờ và háo hức đón nhận sự kiện Lễ hội Âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival) được tổ chức lần đầu tiên tại Hoàng Thành Thăng Long. Sự kiện này được đánh giá là liên hoan âm nhạc quốc tế đúng nghĩa đầu tiên với quy mô tổ chức và sự đón nhận của hàng chục nghìn khán giả. Sau 4 năm trở thành sự kiện thường niên chính thức của thành phố Hà Nội, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa đã thu hút hơn 100 nghìn khán giả Việt Nam và quốc tế với sự tham gia của 40 đơn vị tài trợ, góp mặt của 200 nghệ sĩ đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, cũng có những đêm diễn riêng lẻ của các ca sĩ nhạc nhẹ trong nước hoặc nổi tiếng của nước ngoài thu hút sự tham gia của hàng nghìn người hâm mộ, như tour diễn các các ban nhạc thần tượng đến từ Hàn Quốc: JYJ, Super Junior, T - ara... Các ca sĩ Việt Nam như Mỹ Tâm, Sơn Tùng M - TP… cũng sở hữu những đêm nhạc lên tới 20 - 30 nghìn khán giả.
Gần đây, công chúng biết đến khái niệm nhạc EDM (Electronic Dance Music), là nhạc nhảy được tạo ra từ các thiết bị điện tử. Trước đây, loại nhạc này thường chơi trong vũ trường, đặc trưng là âm thanh lớn cộng và ánh sáng mạnh, có khả năng kích thích cao độ tới người nghe.
Các đại nhạc hội EDM thường xuyên được tổ chức tại Hà Nội cũng thu hút hàng chục nghìn thanh niên tham dự.
Cú sốc lớn và những đòi hỏi mới
Đại nhạc hội EDM Hardwell, nơi từng có một thanh niên tử vong do dùng chất kích thích |
Đêm 16/9/2018 là đêm đen tối trong lịch sử tổ chức các đại nhạc hội ở Việt Nam khi có tới 7 người tử vong do sử dụng chất kích thích khi tham dự sự kiện EDM Trip to the moon tại Công viên nước Hồ Tây. Đây thực sự là một cú sốc lớn với cả đơn vị tổ chức, đơn vị quản lý và công chúng.
Sự việc đồng thời đặt ra đòi hỏi cần phải nhìn nhận lại việc tổ chức các đại nhạc hội hiện nay và đưa ra những tiêu chuẩn quản lý mới phù hợp hơn cho loại hình này. Ngay lập tức, Sở VH-TT Hà Nội đã tạm dừng cấp phép các hoạt động tương tự và cho biết trong thời gian tới, việc cấp phép sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp, các ngành để đảm bảo công tác an ninh trật tự.
Thực tế, không phải chỉ đến sự kiện Trip to the moon, những mặt trái của đại nhạc hội mới được phơi bày. Tháng 5/2017, trong sự kiện đại nhạc hội EDM Hardwell by Vinaphone 2017 cũng có một nam thanh niên tử vong do sử dụng “cỏ Mỹ”. Trên thế giới cũng đã xảy ra những sự việc đau lòng do người nghe nhạc sử dụng chất gây nghiện trong các chương trình nhạc hội lớn. Việc tụ tập quá đông người, hầu hết là người trẻ, trong môi trường âm thanh ánh sáng cường độ cao, có tính kích động lớn sẽ dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc do người xem, là những điều có thể lường trước được.
Là người sáng lập Lễ hội Âm nhạc Gió mùa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, cần phải hiểu giới trẻ để dẫn dắt họ. Anh cũng thường xuyên đưa vào sự kiện âm nhạc của mình những thông điệp khác nhau để nâng cao ý thức của người xem, không chỉ là nghe nhạc có ý thức mà còn là góp phần thay đổi nhận thức của người xem về các vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… sau mỗi đại nhạc hội.
Có người ví các đại nhạc hội, nhất là các sự kiện EDM giống như những cơn bão văn hoá. Quả thực, so với truyền thống âm nhạc trọng đối xứng, ưa những thứ diễn tả tình cảm nội tâm mang đậm chất trữ tình với tốc độ chậm… thì sự bùng nổ, vượt mọi giới hạn, quy tắc của âm nhạc điện tử dễ khiến người ta sốc.
Bên cạnh đó, việc du nhập ồ ạt của các loại hình nghệ thuật này trong khi cơ sở vật chất của ngành biểu diễn chưa theo kịp cũng tạo ra nhiều bất cập. Hà Nội hiện hiếm địa điểm tổ chức đại nhạc hội quy mô lớn đạt chuẩn. Các nhà hát cũ được xây dựng trong nội đô chỉ có sân khấu nhỏ với quy mô vài trăm chỗ. Đại nhạc hội vì thế thường được tổ chức ngoài trời với các địa điểm “đa di năng”, không chuyên cho một loại hình cụ thể nào, do đó không có những tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo an toàn.
Show diễn kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ Tuấn Hưng dự định tổ chức tại Sân vận động Quần Ngựa đã bị huỷ vì địa điểm tổ chức không đảm bảo an ninh và phòng cháy chữa cháy. Đây là điều đáng tiếc với nghệ sĩ nhưng là việc cần thiết để đảm bảo an toàn, an ninh cho người xem trong một sự kiện âm nhạc quy mô lớn.
Năng lực của đơn vị tổ chức là điều tối quan trọng đảm bảo cho thành công của một chương trình. Do đó, việc chuẩn hoá cả về năng lực tổ chức của đơn vị, địa điểm biểu diễn là một đòi hỏi mà ngành Văn hoá cần phải làm ngay trước sự đổ bộ ngày càng nhiều các chương trình gắn mác “đại nhạc hội”.