Bộ lọc khách quốc tế
Báo cáo từ Tổng cục Du lịch cho thấy, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Khách nội địa, mặc dù nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu được tung ra, nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020. Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Song, Covid-19 cũng là cơ hội để đánh giá lại cơ cấu thị trường du lịch. Điển hình là với khách quốc tế, du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) với tỷ trọng gần 67% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2019).
Cụ thể, trong 5 năm (2015-2019), khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam đều tăng gấp 3-4 lần, bình quân từ 34-40%. Riêng hai thị trường này đã mang tới hơn 10 triệu khách du lịch năm ngoái trong tổng số 18 triệu khách quốc tế.
Du lịch Việt Nam hướng tới đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định |
Trong khi đó, các thị trường có mức chi tiêu cao vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn, như khách châu Âu chiếm 12%, châu Mỹ 5,4% và châu Úc 2,4%.
Phụ thuộc quá nhiều vào vào một số thị trường dẫn tới thiệt nặng nề khi có sự cố như Covid-19, chúng ta mất trắng thị trường và nguồn thu. Chưa kể, tại một số địa phương có tình trạng tăng trưởng của khách Trung Quốc tỷ lệ nghịch với tăng trưởng của khách châu Âu, Nhật Bản... Sự tăng trưởng nóng của một số thị trường gây ra tình trạng quá tải tại một số điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường.
Theo Tổng cục Du lịch, tỷ lệ khách quốc tế chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày còn ít. Do đó, ở nhiều phân khúc khách du lịch, lượng khách tuy đông nhưng giá trị thu lại chưa cao.
Theo thống kê, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam năm 2019 đạt 8,1 ngày và chi tiêu bình quân một khách là 1.074 USD. Trong khi đó, tại Thái Lan, khách du lịch quốc tế lưu trú 9 ngày và chi tiêu 1.565 USD/chuyến đi. Đây cũng là lý do mà tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 22,7% mỗi năm, song tổng thu chỉ tăng 20,9%/năm.
Chính vì thế, tại Hội nghị cơ cấu lại thị trường du lịch, do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 19/11, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho rằng dịch bệnh chính là bộ lọc để chúng ta chuyển đổi, lựa chọn khách quốc tế chất lượng hơn, chi trả cao hơn.
Thực tế, có rất nhiều thị trường tiềm năng mà du lịch Việt Nam cần xem xét, nghiên cứu kỹ.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holding, dẫn chứng, khi có đường bay thẳng từ Việt Nam tới Ấn Độ, khách tăng trưởng rất nhanh. Có 3-4 hãng hàng không Ấn Độ đang xếp hàng chờ bay tới Việt Nam. Ông Đức tiết lộ 300 chuyến bay charter (thuê chuyến) từ Ấn Độ muốn sang Việt Nam trong tháng 3-4/2021, chỉ chờ được cấp phép.
Bà Trần Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXN&NV, nói thêm, với thị trường châu Âu, khách chủ yếu đến từ khu vực Bắc Âu, trong khi khu vực Đông Âu cực kỳ tiềm năng kể cả thị trường nhận khách và gửi khách. Do đó, cơ cấu lại thị trường là định hướng lại cầu để từ đó có hướng phát triển cung hiệu quả.
Ông Phùng Quang Thắng dự báo phải đến 2022-2024, thị trường khách quốc tế mới dần hồi phục. Trong giai đoạn từ từ nới lỏng, trước mắt du lịch Việt Nam nên hướng đến thị trường gần là Đông Bắc Á, Đông Nam Á hay Ấn Độ; tới khi mở cửa hoàn toàn sẽ nghiên cứu tập trung và thị trường có khả năng chi trả cao, tương đối bền vững như châu Âu, Mỹ, Úc,…
Mặc dù có nhiều chương trình kích cầu, giảm giá nhưng dự báo khách du lịch nội địa giảm 50% so với năm 2020. |
Chạm được vào điểm G của khách nội địa
Về khách nội địa, tiềm năng của thị trường này được ghi nhận khi có giai đoạn đạt mức tăng trưởng vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19. Đáng lưu ý, trong khi khách nội địa chiếm 82% về cơ cấu thị trường, gấp 4,7 lần lượng khách quốc tế song tỷ lệ doanh thu đóng góp chỉ 44,3%.
Mục tiêu mà ngành du lịch đặt ra là tăng tỷ trọng chi tiêu mua sắm, vui chơi, giải trí và các dịch vụ ngoài tour khác của khách du lịch, cả quốc tế và nội địa. Từ đó, chuyển đổi tỷ trọng thu nhập từ du lịch nội địa và du lịch quốc tế từ 44,3%/55,7% hiện nay thành 55/45, dần tiến đến tỷ lệ mục tiêu 60/40.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Tiếp thị và Bán sản phẩm Vietnam Airlines, cho rằng, muốn cơ cấu lại cần hiểu rõ thị trường nội địa.
Khi chưa có dịch bệnh, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài rất nhiều, lên tới 9-10 triệu người/năm. Họ tiêu bao nhiêu tiền đến nay chúng ta chưa có con số thống kê chính xác. Do đó, ông Tâm đề xuất cần có khảo sát, phân tích hành vi, mức độ chi tiêu để từ đó có kế hoạch thu hút người Việt trở lại với du lịch nội địa.
Ngoài ra, du khách trong nước cũng chỉ tập trung đến một số điểm du lịch nổi tiếng, đi mãi cũng chán nếu không có gì mới, trong khi Việt Nam còn nhiều điểm đến rất đẹp chưa được khám phá, vậy chúng ta cần nghiên cứu làm thế nào thu hút họ tới những nơi đó?
Ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, năm ngoái 84 triệu khách Việt Nam đi du lịch nội địa, năm nay thị trường suy giảm chỉ còn khoảng 50 triệu lượt. Trong bối cảnh tất cả các công ty lữ hành đều dồn vào nguồn khách này, cạnh tranh giảm giá thì giá không thể thấp hơn.
Vì thế, giờ khách sẽ lựa chọn tour dựa trên sự khác biệt và chất lượng của sản phẩm dịch vụ, đòi hỏi các công ty phải sáng tạo.
Bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc kinh doanh Sun World, cho rằng, làm được điều này quan trọng là phải chạm vào được điểm G của khách hàng.
Chẳng hạn, khi đặt vé máy bay, phòng khách sạn du khách cân nhắc so đo từng đồng, nhưng khi đi du lịch lại sẵn sàng chi phóng tay cho việc ăn uống, mua sắm,... Đó là bởi khi đó, dịch vụ đã chạm đến điểm G của du khách. Do đó, các sản phẩm, dịch vụ cần có điểm nhấn, điểm mới và chất lượng đảm bảo để kéo khách quay trở lại và sẵn sàng chi tiền.
Ngọc Hà