Sức trẻ của 'lục địa đen'

GD&TĐ - Ước tính, dân số châu Phi sẽ tăng gần gấp đôi lên 2,5 tỷ người trong 25 năm tới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ước tính, dân số châu Phi sẽ tăng gần gấp đôi lên 2,5 tỷ người trong 25 năm tới. Sự gia tăng đó không chỉ tác động đến nhiều quốc gia mà còn định hình lại mối quan hệ của châu lục này với phần còn lại của thế giới.

Trái ngược với tình trạng già hoá dân số ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Italy..., số lượng trẻ em được sinh ra tăng mạnh ở châu Phi, khiến châu lục này trở thành nơi có dân số trẻ và tăng nhanh nhất thế giới. Năm 1950, người châu Phi chỉ chiếm 8% dân số thế giới nhưng ước tính đến năm 2050, cứ 4 người trên thế giới thì có một người đến từ châu Phi.

Sở hữu dân số trẻ là cơ hội cho sự phát triển của châu Phi, mang lại nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Hãy thử so sánh khi Nhật Bản hay Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh giảm, chính phủ các nước đều cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lao động, chi phí phúc lợi xã hội tăng nhanh. Cơ cấu dân số già cũng hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương phát triển mang tính hội nhập và quốc tế hoá.

Tại châu Phi, thanh thiếu niên đang nắm bắt cơ hội chuyển mình. Họ nhanh chóng tiếp cận với công nghệ số và Internet, tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội đến các ngành công nghiệp, khởi nghiệp, kinh doanh. Với nguồn nhân lực dồi dào và tài nguyên phong phú, châu Phi trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, từ đó đóng góp quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ước tính, lĩnh vực khởi nghiệp châu Phi ghi nhận mức phát triển kỷ lục vào năm 2021 khi huy động được hơn 2 tỷ USD vốn tài trợ. Phần lớn vốn đầu tư mạo hiểm ở châu Phi đang chảy vào 4 quốc gia: Nigeria, Ai Cập, Nam Phi và Kenya.

Sự gia tăng dân số tại châu Phi cũng có ý nghĩa lớn với thế giới, nhất là ở các quốc gia già hóa dân số. Nếu mức tăng dân số chênh lệch với số lượng việc làm, nhiều người châu Phi sẽ di cư đến các quốc gia khác, nơi có nhu cầu về lực lượng lao động trẻ.

Di cư mang lại cho người lao động cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp ở nước sở tại sau đó mang kỹ thuật, kinh nghiệm về phát triển đất nước. Bên cạnh đó, số tiền mà cộng đồng người châu Phi ở nước ngoài gửi về cho gia đình cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Nếu mô hình này tăng lên và mở rộng, nhiều quốc gia sẽ phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực đến từ châu Phi, từ đó tạo đòn bẩy để châu lục này nâng vai trò trong các vấn đề địa chính trị. Các nước châu Phi cũng có tiếng nói, sức ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...

Tuy nhiên, dân số trẻ sẽ mang lại tác động rất khác nhau trên khắp châu Phi vốn có nhiều nền văn hóa khác nhau. Chưa kể chỉ một số quốc gia như Nigeria, Ai Cập, Nam Phi và Kenya thật sự phát triển nổi bật còn các quốc gia khác vẫn mắc kẹt trong vấn đề nghèo đói và xung đột.

Khi dân số tăng lên, vấn đề lo ngại đầu tiên là tỷ lệ thất nghiệp. Ngân hàng Thế giới thống kê mỗi tháng, khoảng một triệu người châu Phi tham gia vào thị trường lao động nhưng chưa đến 1/4 trong số này có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi, quốc gia công nghiệp hoá nhất lục địa, là 35%.

Vì không có việc làm, ngày càng nhiều người châu Phi di cư trái phép và bỏ mạng khi tìm đường sang Mỹ hay châu Âu, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Do đó, nếu muốn tận dụng tiềm năng từ dân số trẻ, châu Phi cần đổi mới toàn diện từ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, an ninh lương thực đến cơ sở hạ tầng, tính bền vững... Các quốc gia phát triển cũng có thể đầu tư nguồn lực vào châu Phi nhằm đảm bảo thanh thiếu niên ở “lục địa đen” có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ