Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục góp phần tích cực trong triển khai hoạt động kiểm định, làm thay đổi nhận thức của cơ sở giáo dục đại học.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: ITN

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), công tác giám sát, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này được quan tâm.

Giám sát thường xuyên

- Hiện cả nước có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước được thành lập và cấp phép hoạt động. Ông có thể cho biết, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong giám sát hoạt động các tổ chức này thế nào?

Tính đến 31/10/2024, cả nước có 2.109 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (gồm 1.492 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 617 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài). Có 208 cơ sở giáo dục ĐH được cấp chứng nhận kiểm định cơ sở, chiếm 85,9% tổng số cơ sở giáo dục ĐH cả nước (gồm 196 cơ sở giáo dục ĐH đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 12 cơ sở giáo dục ĐH đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài).

- Để thiết lập được hệ thống đánh giá, giám sát các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm định và phù hợp thông lệ quốc tế, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030, với các chỉ tiêu và nhiệm vụ chiến lược để phát triển hệ thống.

Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành và triển khai Thông tư số 13/2023/TT-BGD&ĐT quy định việc giám sát, đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm. Các cơ sở giáo dục ĐH cũng tích cực thực hiện trách nhiệm phản hồi về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo yêu cầu của Thông tư.

Theo đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục chịu sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua cơ chế theo dõi định kỳ và phản hồi của cơ sở giáo dục ĐH đối với kiểm định viên, đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định và sự đánh giá trực tiếp của bên thứ ba (thông qua hoạt động của đoàn đánh giá tổ chức kiểm định do Bộ GD&ĐT thành lập).

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ GD&ĐT tổ chức Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 99/2019/NĐ-CP đối với 7 tổ chức kiểm định trong nước để nắm tình hình và thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.

nang-cao-hieu-qua-cac-trung-tam-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-2.jpg
GS.TS Huỳnh Văn Chương. Ảnh: Xuân Phú

Trung tâm kiểm định trong nước quá tải

- Qua kiểm tra, ông nhận thấy tình hình và kết quả hoạt động của các trung tâm kiểm định trong nước ra sao?

- Hoạt động kiểm định ở Việt Nam còn khá mới, được bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2004; nhưng đến năm 2014 mới có 2 tổ chức kiểm định trong nước được thành lập và cấp phép hoạt động.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã thành lập và cấp phép hoạt động cho tổng số 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước theo quy định của luật và nghị định có liên quan gồm: Thành lập và cho phép hoạt động đối với 4 trung tâm công lập; cho phép thành lập và hoạt động đối với 3 trung tâm tư theo đề nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam và các doanh nghiệp; 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã góp phần tích cực vào việc triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, làm thay đổi nhận thức của cơ sở giáo dục ĐH và xem hoạt động bảo đảm chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên.

Thông qua công cụ là các bộ tiêu chuẩn kiểm định cơ sở (111 tiêu chí) và kiểm định chương trình đào tạo (51 tiêu chí) có thể bao quát đến mọi mảng công việc của một cơ sở giáo dục ĐH và không một đơn vị nào trong nhà trường lại đứng ngoài cuộc.

Theo đó, kiểm định là công cụ “chẩn đoán tổng thể” cho nhà trường, hệ thống giáo dục ĐH, nhằm tư vấn cải tiến chất lượng cho nhà trường và tham mưu cơ quan quản lý Nhà nước để điều chỉnh chính sách phù hợp qua từng giai đoạn. Kết quả kiểm định là một trong những phương cách mà nhà trường bao gồm cả trường tự chủ thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội của mình.

Việc ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tham gia kiểm định nước ngoài, được công nhận chất lượng là sự ghi nhận nỗ lực của các cơ sở này, cũng như cho thấy đang đi đúng theo kế hoạch bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 78/QĐ-TTg năm 2022.

Từ số liệu kết quả kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục cho thấy, dù có đến 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hơn 10 tổ chức kiểm định nước ngoài, nhưng các trung tâm trong nước đang trong tình trạng quá tải. Lý do, nguồn lực kiểm định viên chưa phát triển theo yêu cầu thực tế, thiếu về số lượng theo từng nhóm, khối ngành và hạn chế về kinh nghiệm.

Vẫn còn tình trạng tư vấn, đánh giá của kiểm định chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà trường, đặc biệt trong những vấn đề mang tính chiến lược hay kinh nghiệm trong xây dựng phát triển chương trình đào tạo mang tính chuyên sâu, đặc thù.

Dựa trên các nhóm nguyên tắc của hoạt động kiểm định theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, kiểm định là một dịch vụ công do Nhà nước ủy quyền và giao cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH thực hiện. Nhà trường được lựa chọn tổ chức kiểm định mà mình tin cậy dựa trên cơ sở uy tín của các tổ chức.

Các trường ĐH lớn có xu hướng kiểm định đa dạng theo các tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định quốc tế và cả trong nước. Vì vậy, khi đăng ký kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước, cơ sở giáo dục ĐH mong muốn lựa chọn được những trung tâm kiểm định uy tín.

Điều này cũng phần nào tạo ra hiệu ứng tốt như: Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải lựa chọn kiểm định viên cẩn thận và tự nâng tầm quản trị, quản lý, hoạt động để hội nhập quốc tế.

nang-cao-hieu-qua-cac-trung-tam-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-1.jpg
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam khảo sát sơ bộ phục vụ đánh giá chất lượng 2 chương trình đào tạo trình độ ĐH tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Ảnh: CEA-AVU&C

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kiểm định

- Bộ GD&ĐT có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH trong thời gian tới?

- Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, tích hợp các chính sách liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH để ngày càng tạo ra môi trường thuận lợi; bảo đảm các hoạt động này đi vào chiều sâu, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức kiểm định, giúp cho công tác công khai, giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH theo xu hướng tự chủ.

Đồng thời, tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng thông qua hỗ trợ phát triển đội ngũ kiểm định viên có năng lực, chuyên sâu và tiếp cận với môi trường kiểm định chất lượng giáo dục ĐH quốc tế. Giúp các cơ sở giáo dục ĐH và tổ chức kiểm định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong thông qua việc xác định sứ mạng tầm nhìn và phát triển hệ thống quản trị kiểm soát nội bộ, mở rộng hợp tác quốc tế.

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục và phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện về cơ chế pháp lý, tài chính trong kiểm định, nhất là công tác đấu thầu tập trung vào chất lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thường xuyên, định kỳ cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và hợp tác quốc tế về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục.

- Xin cảm ơn ông!

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), từ khi có Luật Giáo dục ĐH và nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được ban hành năm 2018 đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản pháp luật để triển khai đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.

Các cơ sở giáo dục ĐH đã ý thức rõ trách nhiệm kiểm định không chỉ để có được tấm giấy chứng nhận, mà coi đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao chất lượng, đồng thời là một tiêu chí để tăng cường hội nhập quốc tế.

Qua công tác kiểm định chất lượng, hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi dẫn đến chuyển biến hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt là sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo theo chuẩn đầu ra, tiến tới theo năng lực của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...