CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG DO GIÁO VIÊN NƯỚC NGOÀI ĐỨNG LỚP:

Xuất phát từ lợi ích của học sinh

GD&TĐ - Nhiều trường học tại tỉnh Quảng Bình đã liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp.

Các em học sinh tại Quảng Bình luôn hứng thú với những tiết học tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp.
Các em học sinh tại Quảng Bình luôn hứng thú với những tiết học tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp.

Ngày 12/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Theo kết luận 91-KL/TW năm 2024 thì trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

2.jpg
Chương trình tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh Quảng Bình.

Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Tại Quảng Bình, nhiệm vụ này cơ bản nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Đầu tư đúng hướng

Chương trình tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp hướng tới mục tiêu thúc đẩy năng lực tiếng Anh chuẩn quốc tế cho học sinh. Theo đó, sau khi tham gia chương trình, học sinh sẽ có số tiết môn tiếng Anh nhiều hơn so với quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo công văn số 1850/SGDĐT-GDMNTH của Sở GD&ĐT Quảng Bình, tiết học tăng cường là tiết nằm ngoài chương trình tiếng Anh chính khoá. Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục dựa trên nội dung của chương trình môn học, căn cứ vào điều kiện, tình hình, nhu cầu học tập của học sinh, xây dựng kế hoạch dạy tăng thời lượng tiếng Anh thực sự phù hợp cho học sinh của đơn vị mình, đảm bảo tính kết nối với chương trình học hiện hành, bổ trợ, nâng cao kiến thức, ưu tiên phát triển kĩ năng nghe nói, năng lực giao tiếp tiếng Anh cho học sinh, tăng cơ hội được ứng dụng, trải nghiệm tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.

img-9616.jpg
Nhiều năm liền, Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế Asemlink đã phối hợp với Trường Tiểu học số 2 Hoàn Lão để dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh.

Việc triển khai tăng thời lượng dạy học tiếng Anh phải được thực hiện theo đúng quy trình: tổ chức họp phụ huynh của trường, phụ huynh đăng ký trên tinh thần tự nguyện, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ do 100% giáo viên nước ngoài đứng lớp, dạy chính trong tiết học. Ngoài ra, có thêm giáo viên trợ giảng là người Việt để hỗ trợ học sinh khi cần. Giáo viên trợ giảng thường là thầy cô phụ trách môn tiếng Anh trong trường hoặc thầy cô được trung tâm ngoại ngữ chỉ định.

Học sinh đăng ký học chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ có thêm 1-2 tiết trong tuần. Các em được học đồng thời nhiều kỹ năng, song nghe và nói là hai kỹ năng được chú trọng và dành nhiều thời gian hơn.

3-new.jpg
Năm học 2024-2025, Trung tâm Ngoại ngữ NewSky Quảng Bình liên kết dạy tiếng Anh tăng cường cho 22 trường học trên địa bàn.

“Chất lượng và số lượng của đội ngũ giáo viên nước ngoài giảng dạy bộ môn tiếng Anh tại các trường học ở Quảng Bình luôn đảm bảo. Các thầy cô giáo yêu nghề, nhiệt tình trong công tác, cố gắng học hỏi phương pháp mới để truyền thụ cho học sinh. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học tiếng Anh có sự tiến bộ rõ rệt tại các trường liên kết”, bà Bùi Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ NewSky Quảng Bình.

Từ thực tế triển khai chương trình tại địa bàn, ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho hay, việc dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là học sinh bậc tiểu học.

Theo ông Quân, khi triển khai chương trình, các trường học tại huyện Bố Trạch thấy sự tiến bộ rõ rệt của học sinh, nhất là kỹ năng nghe và nói. Các em hứng thú, hào hứng và mạnh dạn giao tiếp với thầy cô nước người ngoài, thay đổi này chứng minh sự đúng đắn trong triển khai dạy tiếng Anh tăng cường.

“Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, 17 trường tiểu học trên địa bàn đã và đang tổ chức dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Lợi ích từ chương trình rõ ràng, tuy nhiên, những trường học vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên việc triển khai đồng bộ trong năm học này là không thể”, ông Võ Hải Quân cho biết thêm.

Hấp dẫn, sôi nổi

Vừa trợ giảng, vừa là cán bộ phụ trách chuyên môn của Hệ thống Anh ngữ Everest (5 cơ sở tại huyện Quảng Ninh), cô Lê Thị Lệ Hà cho biết: “Những tiết tiếng Anh tăng cường do giáo viên người nước ngoài đứng lớp thường tạo không khí hấp dẫn và sôi động nên các em rất thích học. Cá nhân tôi thấy rằng, chương trình làm tốt việc khơi gợi tình yêu của trẻ đối với môn tiếng Anh”.

4.jpg
Hệ thống Anh ngữ Everest phối hợp với nhiều trường học tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học số 2 Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), tiết học tăng cường thường bắt đầu bằng một bài hát tiếng Anh. 40 học sinh hào hứng vỗ tay theo nhịp điệu như đã quen với hoạt động tập thể này. Từng nhóm học sinh đứng lên, ngồi xuống nhịp nhàng theo điều khiển của giáo viên nước ngoài.

Mọi giao tiếp giữa thầy trò thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Khi học sinh muốn phát biểu hay muốn đặt câu hỏi thì giơ tay để được giáo viên cho phép nói.

Em Dương Thành Đạt (lớp 4B, Trường Tiểu học số 2 Hoàn Lão) vui vẻ nói: “Con được thầy dạy nói, dạy hát và được hướng dẫn chơi trò ghép tranh, nối chữ nữa. Con rất vui khi đến tiết học này”.

6.jpg
Cô Lily (Trung tâm Ngoại ngữ NewSky Quảng Bình) tạo hứng thú trong tiết học thông qua trò chơi đoán tranh, ghép chữ.

Niềm vui không chỉ gói gọn ở trường học, Đạt mang câu chuyện trên lớp về kể với mẹ. Chị Dương Thị Châu Thủy (mẹ của Dương Thành Đạt) cho biết: “Tôi thấy con tiến bộ rõ ràng sau khi tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường. Thỉnh thoảng được người nước ngoài hỏi chuyện, cháu tự tin trả lời, tôi khá hài lòng”.

Còn tiết học tiếng Anh với người nước ngoài ở Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (TP Đồng Hới, Quảng Bình), bài giảng được thầy cô chuẩn bị rất chu đáo. Giờ học càng ấn tượng hơn khi thầy mang đến lớp nhiều đồ dùng dạy học như vòng quay may mắn, xúc xắc hay bóng dính...

“Điều quan trọng nhất của chương trình tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp đó là cải thiện sự tự tin, phát âm, phản xạ giao tiếp cho học sinh. Ngoài ra còn bổ sung kiến thức trong việc sử dụng tiếng Anh lưu loát, thành thạo. Đây cũng là điểm yếu nhất, cần cải thiện của học sinh Việt Nam trong việc học tiếng Anh”, ông Phan Sỹ Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế Asemlink.

5.jpg
Học sinh thích thú trong tiếng học tiếng Anh tăng cường với giáo viên của Trung tâm Anh ngữ Celals đứng lớp.

Hơn 6 năm triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường, cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý, TP Đồng Hới chia sẻ, tăng số tiết học tiếng Anh tại trường mang lại cơ hội thực hành nhiều hơn cho học sinh. Từ đó, các em có thể phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng gồm: nghe, nói, đọc và viết.

“Ngoài nâng cao trình độ tiếng Anh, chương trình còn tạo điều kiện để học sinh tiếp xúc với môi trường giao tiếp phong phú và thực hành nhiều hơn. Điều này giúp các em hình thành thói quen và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5”, cô Thảo cho biết.

“Để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, phòng đã ban hành nhiều văn bản và hướng dẫn các đơn vị trường học nghiêm túc triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu về thời lượng và chất lượng; chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy học tiếng Anh cho học sinh do giáo viên nước ngoài đứng lớp. Nhờ đó, chất lượng dạy và học môn tiếng Anh ở các trường học trên địa bàn ngày càng được nâng lên rõ rệt, luôn đứng đầu toàn tỉnh”, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới Trương Thị Thu Hiền.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ