'Sức nóng' từ ngôi trường lần đầu có sĩ tử thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Giữa cái nóng oi ả những ngày cuối tháng 5, không khí chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng “hừng hực” ở ngôi trường lần đầu có sĩ tử tham dự.

Giáo viên Trường THCS - THPT Quyết Tiến hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập.
Giáo viên Trường THCS - THPT Quyết Tiến hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập.

Thầy, trò “lên giây cót”

Mặc dù chương trình năm học đã kết thúc, song những ngày này thầy giáo Bùi Duy Hưng, Trường THCS - THPT Quyết Tiến, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) vẫn túc trực 24/7 tại trường. Năm học này, thầy Hưng đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp 12C, với 31 học sinh.

Nhà cách trường 18km nên mỗi ngày thầy Hưng phải lên đường từ sớm, để kịp đến lớp đầu giờ, nắm bắt sĩ số học sinh. Mỗi trường hợp vắng mặt, thầy lập tức liên hệ hoặc trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, tìm hiểu. Mặc dù là giáo viên Tin học, không phải ôn thi tốt nghiệp, song theo thầy Hưng chia sẻ thì công tác chủ nhiệm lại “ngốn” nhiều thời gian hơn.

Thầy giáo Bùi Duy Hưng nắm bắt, hỗ trợ học sinh nội trú học tập, ôn luyện ngoài giờ.

Thầy giáo Bùi Duy Hưng nắm bắt, hỗ trợ học sinh nội trú học tập, ôn luyện ngoài giờ.

Thầy phân tích: “Học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình khó khăn nên phụ huynh chủ yếu chỉ lo làm kinh tế, ít quan tâm đến việc học của con. Nếu giai đoạn này tôi cũng buông lỏng thì các em dễ chệch choạc, ảnh hưởng đến kết quả cả hành trình. Chưa kể, đây là khóa đầu tiên của trường tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cả thầy và trò đều phải nỗ lực hết mình”.

Lớp 12C có 17 học sinh ở nội trú tại trường, số còn lại sống cùng gia đình. Để thuận tiện trong việc trao đổi, nắm bắt tình hình từng em, thầy Hưng lập nhóm zalo. Mỗi ngày, các thành viên trong lớp đều tự giác gửi tin nhắn, hình ảnh cập nhật quá trình ôn tập, vướng mắc của bản thân.

Học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Quyết Tiến tự ôn trên lớp vào buổi tối.

Học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Quyết Tiến tự ôn trên lớp vào buổi tối.

Ngoài ra, để làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ học sinh, thầy Hưng phải thường xuyên phối hợp nhịp nhàng với từng giáo viên bộ môn. Vừa nắm bắt sĩ số, tình hình học tập, tham gia giải quyết, gỡ vướng cho từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, thầy cũng trực tiếp tham gia quán xuyến, bố trí từng bữa ăn, giấc ngủ đảm bảo cho trò.

"Thời gian này đang cao điểm mùa nắng nóng rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Vì thế tôi cũng phải theo sát, nhắc nhở các em. Ví dụ như bữa ăn hôm nay chưa phù hợp thì mai phải điều chỉnh. Phòng nội trú nóng quá thì đề nghị bổ sung quạt. Nhiều em vì lo lắng quá nên ôn bài khuya, tôi cũng phải kịp thời nhắc nhở các em phân bổ thời gian hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất", thầy Hưng nói.

Với kinh nghiệm gần 20 năm đứng lớp, hàng chục năm làm công tác chủ nhiệm 12, nên thầy Hưng tự tin trong việc nắm bắt, đồng hành cùng học sinh của mình. “Trong lớp có một vài em đã lập gia đình, hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 3 em lực học yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp. Các em này đều rất dễ sao nhãng trong việc học, nhất là ở giai đoạn này áp lực cao hơn. Vì thế, tôi phải theo sát và có phương pháp cụ thể với từng em”, thầy Hưng chia sẻ.

Là học sinh có lực học đứng tốp đầu trong lớp, song em Sùng Thị A vẫn tỏ ra khá lo lắng trước kỳ thi quan trọng. Sùng Thị A tâm sự, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên em khá hoang mang trong việc lựa chọn hướng đi cho mình.

Học sinh ở nội trú hỗ trợ nhau cùng ôn luyện.

Học sinh ở nội trú hỗ trợ nhau cùng ôn luyện.

Đặc biệt, thời gian đầu khi biết lịch thi sớm, cộng thêm việc chưa rõ ràng địa điểm thi khiến em cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến quá trình di chuyển, nơi ăn, chốn nghỉ trong những ngày thi. Sau nhiều lần chia sẻ, nắm bắt tình hình, thầy Hưng đã động viên, khích lệ tinh thần. Đồng thời vận động em vào nội trú ở để tập trung cho việc ôn tập.

“Được thầy cô đồng hành, hỗ trợ em đã bớt lo lắng hơn. Mới đây, nhà trường thông báo Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng thi ngay tại trường nên em càng yên tâm. Hiện nay em đang tập trung toàn bộ thời gian để ôn luyện, với quyết tâm là thi đỗ đại học. Em dự tính theo học tại các trường quân sự để phù hợp với hoàn cảnh gia đình”, Sùng Thị A bộc bạch.

Cả ngành vào cuộc

Trường THCS - THPT Quyết Tiến đóng chân trên địa bàn xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Theo thầy Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thì 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn. Một số em mới cấp 3 nhưng đã xây dựng gia đình.

“So với mặt bằng chung thì lực học của học sinh nhà trường tương đối kém. Trong khi đó, đây lại là năm đầu tiên trường có học sinh 12 tham gia thi tốt nghiệp THPT, với tổng số 88 em. Do chưa có kinh nghiệm, xuất phát điểm lại thấp nên để đảm bảo chuẩn bị tốt cho kỳ thi thì thời gian qua trường đã chủ động học hỏi ở nhiều nơi, bằng nhiều cách. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành từ chuyên môn đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất”, thầy Ninh cho hay.

Mỗi trường hợp học sinh khó khăn hoặc vướng mắc trong học tập đều được nắm bắt để tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời.

Mỗi trường hợp học sinh khó khăn hoặc vướng mắc trong học tập đều được nắm bắt để tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời.

Về phía nhà trường, công tác ôn thi tốt nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm học, với 4 giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn đều có thi thử để đánh giá, phân loại học sinh và xây dựng phương án ôn tập, bổ trợ phù hợp.

“Hiện nay đang bước vào giai đoạn cao điểm ôn thi, chủ yếu tập trung cho học sinh luyện đề, rèn kỹ năng. Dựa trên kết quả các đợt thi thử, trường thành lập lớp bổ trợ 6 môn dành cho học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thời gian ôn luyện là vào các ca lỡ (từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút; 19 giờ - 21 giờ 30 phút)”, thầy Ninh thông tin thêm.

Để đảm bảo công tác quản lý, nhất là ôn tập, cùng với 60 học sinh nội trú thì trường vận động hơn 30 em còn lại vào ở tập trung. Toàn bộ việc ôn tập, ăn uống sinh hoạt của các em do nhà trường hỗ trợ. Nguồn kinh phí này được tính toán, cân đối từ khoản dôi dư trong chế độ cho học sinh nội trú và kêu gọi xã hội hóa.

Học sinh được chia ca ôn luyện theo nhóm phù hợp với năng lực, sở trường.

Học sinh được chia ca ôn luyện theo nhóm phù hợp với năng lực, sở trường.

Để hỗ trợ cho nhà trường trong công tác ôn tập, ngay từ đầu tháng 4, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã cử đoàn công tác gồm 4 thầy cô ở các bộ môn đến giúp đỡ. Ngoài ra, đơn vị cũng cử nhiều đoàn giáo viên đi học hỏi kinh nghiệm ở các trường trong cùng địa bàn. Tổ chức hội thảo ôn thi tốt nghiệp trong cụm thi đua, nhằm nắm bắt kinh nghiệm, đồng thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ.

“Mỗi lần trao đổi, hội thảo, các thầy cô học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp nâng cao trình độ bản thân. Dựa trên việc phân tích điều kiện thực tế và tình hình học sinh, mỗi thầy cô sẽ linh hoạt áp dụng trong quá trình giảng dạy, làm sao để phù hợp, hiệu quả nhất”, thầy Ninh chia sẻ.

“Mặc dù là năm đầu có học sinh dự thi, xuất phát điểm lại thấp, song nhà trường phấn đấu có từ 98% trở lên đỗ tốt nghiệp. Đây là mục tiêu khá cao so với tiềm lực hiện có. Tuy nhiên, chúng tôi đặt ra mục tiêu đồng thời tăng cường động viên, khích lệ để cả thầy và trò cùng nỗ lực, quyết tâm. Hiện nay các em đều hoàn toàn yên tâm và dành toàn bộ ưu tiên cho việc ôn luyện”, thầy Ninh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ