Sức mạnh khủng khiếp của ‘cáo săn chồn’ mang ‘dao găm’ Nga

GD&TĐ - Nga đã tiến hành vụ tấn công mới bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal (tiếng Nga: “Dao găm”), trên siêu tiêm kích MiG-31 “Foxhound” (“Cáo săn chồn”).

Sức mạnh khủng khiếp của ‘cáo săn chồn’ mang ‘dao găm’ Nga

Đêm 09/3, Lực lượng Vũ trang Nga đã mở một cuộc tấn công tên lửa lớn vào các mục tiêu hạ tầng quân sự ở Ukraine.

Tổng cộng 81 tên lửa các loại đã được phóng trong vụ tấn công được Moscow công bố là “đòn đáp trả các hành động khủng bố” mà Kiev đã tiến hành ở vùng Bryansk ngày 02/3.

Theo số liệu của Ukraine, cuộc tấn công sử dụng 6 tên lửa không đối đất siêu thanh Kinzhal, 28 tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 hoặc Kh-555, 20 tên lửa hành trình phóng từ trên biển 3M14 Kalibr, 6 tên lửa hành trình chống hạm Raduga Kh-22, 2 tên lửa hành trình chống radar Kh-31P và 6 tên lửa hành trình không đối đất Kh-59.

Phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine là ông Yurii Ihnat cho biết, rất hiếm khi Nga sử dụng tới 6 tên lửa Kinzhal trong một đợt tấn công.

Ông Ihnat thừa nhận, lực lượng phòng không nước này không có năng lực ngăn chặn tên lửa siêu thanh như Kinzhal.

Kinzhal là tên lửa phóng từ trên không, là loại tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới được biên chế chính thức và cũng là tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới được sử dụng trong chiến đấu.

Kinzhal là phiên bản cải tiến từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Iskander, được phóng trên bệ phóng cơ động trên mặt đất.

Nó có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng tới 480 kg, với phạm vi hoạt động lên đến 2.000 km, tốc độ tối đa 3430 m/giây.

Kinzhal trong tiếng Nga có nghĩa là “Dao găm”, được trang bị trên tiêm kích đánh chặn là MiG-31 “Foxhound” (“Cáo săn chồn”) hoặc máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 Backfire-C.

Việc được phóng đi từ loại máy bay có trần bay cao nhất, tốc độ nhanh nhất thế giới như MiG-31 đã khiến tên lửa có phạm vi bắn xa hơn, tốc độ lên tới Mach 10 (12.350 km/h) và có khả năng tấn công theo nhiều hướng.

Tốc độ Mach3 và trần bay cao, khả năng cơ động siêu việt của MiG-31 kết hợp với tốc độ Mach 10 của Kinzhal, với quỹ đạo bay cực kỳ linh hoạt khiến hoạt động đánh chặn loại tên lửa này trở nên cực kỳ khó khăn.

Nga lần đầu tiên sử dụng Kinzhal trong thực chiến là trong đợt tấn công các mục tiêu quân sự ở miền Tây Ukraine vào tháng 3/2022, sau đó nó tiếp tục được sử dụng vào tháng 5/2022.

Sau cuộc không kích đêm 9/3, Trung tâm Stratcom, được thành lập thuộc Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine, đã thừa nhận rằng, Ukraine hiện “không có phương tiện nào có thể chống lại tên lửa như vậy”.

Với tốc độ tên lửa lên tới 210km/phút, các hệ thống phòng không truyền thống về cơ bản trở nên vô dụng bởi vì vào thời điểm radar mặt đất phát hiện ra các tên lửa thì chúng đã tiến gần đến mục tiêu; thậm chí với các vụ tấn công ở khoảng cách khoảng vài trăm km, các hệ thống radar của đối phương thậm chí còn không kịp phát hiện ra tên lửa thì mục tiêu bảo vệ đã bị đánh trúng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Nga đã phát triển loại tên lửa có tầm phóng hàng nghìn km này với mục đích dễ dàng xuyên phá qua các hệ thống phòng không của NATO, tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu.

Theo giới phân tích, Nga sử dụng Kinzhal ở Ukraine với hai mục đích. Một là thử nghiệm và hoàn thiện tên lửa trong điều kiện thực chiến, hai là thông qua các vụ tấn công “không thể đánh chặn”, gửi một thông điệp cảnh báo đầy sức mạnh tới các đối thủ phương Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ