Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát khắp nơi, kỳ thi đã diễn ra với quá nhiều khó khăn. Mặc dù từng có kinh nghiệm tổ chức thi trong tình hình dịch bệnh từ năm ngoái, nhưng năm nay do dịch quá phức tạp, không chỉ giáo viên, phụ huynh, học sinh hồi hộp mà những người làm công tác tổ chức cũng hết sức căng thẳng. Thi hay dừng thi, câu hỏi này đã nâng lên đặt xuống ở biết bao nhiêu cuộc họp lẫn cả trong giấc ngủ không yên của người có trách nhiệm.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, địa phương đang là điểm nóng dịch bệnh với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày, cho biết: “Quyết định này rất khó khăn đối với chính quyền TP. Chúng tôi đưa ra bàn nhiều lần, cân nhắc kỹ lưỡng mới đi đến quyết định. Lãnh đạo TP phải giải quyết một bài toán với rất nhiều mục tiêu, vừa phải tổ chức thành công cuộc thi này để đảm bảo quyền lợi, giúp các cháu có đủ điều kiện tham gia các khóa học mới ở môi trường đại học, vừa phải làm sao để các cháu yên tâm đi thi và được phụ huynh đồng thuận”.
Chia sẻ với khó khăn của các địa phương, Bộ GD&ĐT luôn bám sát tình hình để có những chỉ đạo kịp thời. Các phương án, kịch bản tổ chức kỳ thi được Bộ xây dựng từ rất sớm, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh. Quyết định tổ chức kỳ thi làm 2 đợt của Bộ ở thời điểm phù hợp nhất đã mở đường cho các địa phương giải quyết bài toán khó về mặt bảo đảm an toàn phòng dịch.
Đặc biệt, tùy theo tình hình dịch bệnh, căn cứ trên đề xuất của cơ sở, Bộ cũng đồng ý để thí sinh F1, F2 có thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 nếu Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh bảo đảm an toàn phòng dịch. Trước tình hình nhiều thí sinh ở tỉnh, thành này nhưng học ở tỉnh, thành khác gặp khó khăn khi đi thi trong mùa dịch, Bộ đã đề nghị các sở xem xét việc tiếp nhận để tổ chức thi cho các thí sinh chuyển đến từ hội đồng thi khác... Sự chỉ đạo linh động, kịp thời, trên hết vì quyền lợi của thí sinh của Bộ GD&ĐT đã được dư luận đánh giá cao.
Cùng với sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã tập trung mọi ưu tiên cho công tác đảm bảo an toàn thi cử. Rất nhiều tỉnh, thành phố tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên làm thi; một số địa phương còn ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng này. Nhiều giải pháp về phân luồng, phân tuyến nhằm siết chặt an toàn trường thi cũng được chuẩn bị chu đáo. Các địa phương, tổ chức, đoàn thể còn có các hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với quyết tâm và hành động của ngành, địa phương và các lực lượng xã hội, phụ huynh, học sinh cũng thể hiện ý thức cao trong việc thực hiện phòng dịch, chấp hành kỷ cương trường thi. Nhiều phụ huynh, thí sinh khẳng định tin tưởng vào công tác phòng dịch của các ban, ngành và cho rằng kỳ thi đặc biệt này là “vũ môn” quan trọng nhất của tuổi 18.
Cộng đồng trách nhiệm đã mang lại thành quả bước đầu. Ngày thi đầu tiên diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và cơ bản an toàn. Thí sinh làm bài nhẹ nhàng, vừa sức. Mặc dù, một số địa phương phát hiện thí sinh dương tính trong ngày làm thủ tục và ngày thi, thế nhưng với sự chủ động dự phòng tình huống, hệ thống phòng dịch đã kịp thời kích hoạt ứng phó, mang lại sự yên tâm cho phụ huynh, thí sinh và những người tham gia thi tiếp tục nhiệm vụ.
Khó khăn chưa phải đã hết trong ngày thi cuối cùng và tới đây là trong hoạt động chấm thi. Thế nhưng với sự chuẩn bị tốt, quyết tâm cao của ngành và địa phương, đặc biệt là cộng đồng trách nhiệm toàn xã hội vì giáo dục, chắc chắn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ đạt được mục tiêu kép đề ra.