Sức mạnh của bảo tàng

GD&TĐ - Kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), toạ đàm “Sức mạnh của Bảo tàng” - cũng là chủ đề năm 2022 được diễn ra nhằm khuyến khích phát huy tiềm năng bảo tàng, mang lại sự thay đổi tích cực.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cho rằng, việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá và giới thiệu tới du khách những giá trị văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, trưng bày.

Cũng theo ông Cương, sắp tới nhiều đơn vị bảo tàng sẽ được đầu tư, xây dựng và kiện toàn. Vấn đề đặt ra là các đơn vị cần phối hợp với nhau như thế nào để hình thành một khối liên kết mạnh mẽ, phát huy giá trị, sức mạnh các bảo tàng.

Chúng ta biết rằng, bảo tàng là một thiết chế văn hóa - nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật giá trị, góp phần bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa - lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động tại nhiều bảo tàng trên cả nước đã và đang cho thấy sự tốn kém, lãng phí lớn về con người và vật chất.

Việt Nam có trên 120 bảo tàng, sở hữu nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử - văn hóa phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, du lịch... Tuy nhiên, lượng khách đến thì chẳng đáng là bao.

Chúng ta dễ thấy cảnh đìu hiu ở Bảo tàng Văn học hay Bảo tàng Hà Nội. Mỗi ngày, khách đến tham quan có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở Thủ đô đã vậy, bảo tàng ở các tỉnh thành còn buồn hơn. Có những bảo tàng sân mọc đầy cỏ và rêu, do lâu ngày không có người qua lại.

Đìu hiu là thế, nhưng cứ phải xây dựng, tu sửa, nâng cấp… và phải đủ biên chế nhân sự. Không phát huy được giá trị, nhưng kinh phí cứ phải chi đều. Thậm chí, Nhà nước phải chịu gánh nặng “đội giá”, kể cả trong dự án thiết kế trưng bày dai dẳng mãi không xong – mà Bảo tàng Hà Nội là một ví dụ.

Các chuyên gia đã từng nhiều lần truy nguyên lý do vì sao các bảo tàng vắng khách. Nguyên nhân quá nhiều: Khô cứng trong thủ pháp trưng bày, không có chuyên môn lại đi làm bảo tàng, kiến thức chuyên môn của hướng dẫn viên kém, nhiều hiện vật phục chế mà ít giá trị nguyên mẫu…

Tất cả những lý do ấy khiến người dân không mặn mà đến bảo tàng. Một bảo tàng mà không có khách tham quan thì giống như một “bảo tàng chết”, lãng phí tiền bạc và công sức.

Chủ đề Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022 là “Sức mạnh của Bảo tàng”, có lẽ cũng được rút ra từ những thực tế đó. Tuy nhiên, nếu chỉ nói suông, chỉ thực hiện các thay đổi trên giấy, thì có lẽ bảo tàng không thể hồi sinh.

Ngày nay, có thể khách tham quan không còn là thượng đế, nhưng họ mãi là đối tượng để phục vụ, thậm chí là “nguồn sống” của bảo tàng. Họ đến bảo tàng không giống như tình huống phải đến một bệnh viện, hay ra chợ mua một món hàng. Họ đến vì lòng nhiệt thành với lịch sử, hoặc ít nhất là tiếp cận một ý nghĩa văn hóa.

Vì vậy, ngay từ khâu gửi xe – mua vé, đừng biến người tham quan thành bệnh nhân hay mặc cảm mua bán ngoài chợ. Hãy để họ cảm nhận được bảo tàng là một không gian thực sự của văn hóa.

Làm sao để người dân thiết tha mong muốn bước chân vào bảo tàng, thấy được các giá trị, mở mang sự hiểu biết… thì lúc đó bảo tàng mới có sức mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.