Vì sao trẻ em thường bị ốm?

GD&TĐ - Nguyên nhân trẻ em thường ốm có thể do thường bị cảm lạnh, dị ứng, sâu răng và thậm chí mặc quần áo sai cách. Theo thống kê, trẻ mẫu giáo bị bệnh khoảng 6 lần/năm, HS phổ thông là 3 lần/năm.

Trẻ nhỏ thường bị ốm.
Trẻ nhỏ thường bị ốm.

Tuy nhiên, một số trẻ em bị ốm thường xuyên hơn những trẻ khác. Dưới đây là nguyên nhân và lời khuyên của tiến sỹ y khoa về dị ứng - miễn dịch Tachiana Semenicheva, Giám đốc Bệnh viện Nhi khoa tại Matxcơva để khắc phục tình trạng này.

Điều trị không dứt điểm bệnh mãn tính

Chứng viêm phế quản không được điều trị dứt điểm, viêm tai giữa làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Kết quả là những bệnh chưa được chữa lành sẽ quay trở lại, hoặc là đứa trẻ quá dễ dàng và thường xuyên nhiễm bất kỳ loại virus và nhiễm trùng nào.

Nên: Xác định những vấn đề chưa được xử lý bằng cách xét nghiệm máu. Thành phần của máu sẽ cho biết tình trạng viêm, sau đó cần đến khám tại bác sĩ nhi khoa, nơi đã phát hiện ra chứng viêm.

Mặc quần áo sai cách

Trước hết, không nên quá bao bọc trẻ khi mặc quá nhiều quần áo, bởi trẻ sẽ nóng khi chạy nhảy và đổ mồ hôi. Việc đổ mồ hôi không chỉ gây ra vấn đề về da mà còn khiến cho cơ cấu điều chỉnh nhiệt trong cơ thể bị trục trặc. Làn da trở nên ít nhạy cảm, từ đó làm rối loạn sự hình thành hệ cơ - xương.

Và điều quan trọng nhất là sẽ dần phát sinh chứng loạn trương lực cơ - mạch. Hậu quả là không chỉ sự trao đổi nhiệt, mà các quá trình tuần hoàn máu và tiêu hóa đều bị rối loạn.

Nên: Khi thời tiết lạnh, cho trẻ mặc ba lớp áo. Lớp đầu tiên giữ cho làn da được khô. Lớp thứ hai để giữ nhiệt và thoát ẩm. Lớp thứ ba có nhiệm vụ bảo vệ khỏi tác động của điều kiện thời tiết, mưa gió. Nên nhớ rằng khi một đứa trẻ liên tục di chuyển nó sẽ không lạnh như khi đang đứng.

Ăn thực phẩm không lành mạnh 

Trẻ nhỏ dễ bị lây bệnh ở trường.
Trẻ nhỏ dễ bị lây bệnh ở trường.

Những thực phẩm như mayonnaise, sốt cà chua, khoai tây chiên, soda, kẹo… đều có hại. Dùng nhiều đồ ăn chế biến sẵn sẽ không đủ cho sự phát triển bình thường của cơ thể cũng như tăng cường sức khỏe.

Điều rất quan trọng là cung cấp cho con bạn thực phẩm có sự kết hợp đúng các protein, carbohydrate, chất béo và các thực phẩm có chứa vitamin và khoáng chất. Thực phẩm cũng phải giàu các vitamin để bảo vệ cơ thể như vitamin A, C và D. Đó là các loại cá có dầu, cà chua, cà rốt, ớt, phomai, gan, trái cây, hoa quả khô, kiwi và các loại trái cây khác nhau.

Vitamin nhóm B cũng quan trọng đối với cơ thể trẻ em, vì chúng có chức năng về bộ nhớ, hệ thần kinh, xương và khớp. Chúng sẽ tăng cường hệ miễn dịch và được chứa trong các loại hạt, các loại đậu, trứng, bánh mỳ đen, sữa, thịt, trái cây, rau củ và các loại rau xanh.

Trong khẩu phần dinh dưỡng của trẻ em nhất thiết phải có can-xi có ở trong sữa và các sản phần sữa chua, i-ốt (tảo biển, hải sản, cá biển và muối biển) và ca-li (đậu đỗ, chuối, lạc).

Không luyện tập thể thao

Luyện tập thể thao rất có ích. Điều chủ yếu là có mức độ tập hợp lý để trẻ không bị ra quá nhiều mồ hôi và không mệt mỏi. Nhiều phụ huynh lo lắng rằng các con sau khi tập thể thao ra ngoài đường sẽ nóng, nhưng sự thay đổi nhiệt độ của môi trường cũng là một cách để thích ứng.

Không muốn đến trường hoặc nhà trẻ

Trẻ em không thể ốm theo ý muốn, nó chỉ có thể phân giai đoạn bệnh. Ví dụ, hầu như không thể làm tăng nhiệt độ bằng nỗ lực của ý chí. Nhưng các phản ứng rối loạn thần kinh (hồi hộp, lo lắng, sợ hãi) có thể làm nhiệt độ tăng vọt. Đôi khi một đứa trẻ không muốn đi học không hẳn vì nó lười biếng, mà chỉ là do tâm lý căng thẳng và có sự mâu thuẫn trong nhóm bạn.

Nên: Tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra, và vì sao trẻ lại không muốn đến lớp, thậm chí là muốn bị ốm? Hãy hỏi trẻ về mọi chuyện. Với trẻ nhỏ có thể chơi cùng búp bê và các đồ chơi nhẹ nhàng để tìm hiểu điều gì khiến bé lo lắng.  

Nếu cần, hãy đến gặp chuyên gia tâm lý. Một chuyên gia lành nghề có thể giúp xác định lý do thực sự về hành vi đó của trẻ và bạn sẽ biết cách xử lý tiếp theo. Trong mọi trường hợp, cha mẹ cần có lập trường cứng rắn. Bạn cần giải quyết vấn đề, không né tránh.

Ngoài ra, nếu nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ khi không có các triệu chứng bệnh khác thì không được trẻ nghỉ học (với điều kiện trẻ thực sự khỏe mạnh). Khi đó, trẻ sẽ không thể và không cần thiết phải viện cớ ốm để nghỉ học.

Dị ứng

Dị ứng (sổ mũi, hen suyễn, viêm kết mạc) và ức chế miễn dịch có liên quan. Cơ thể trẻ em càng mạnh sẽ càng dễ bị dị ứng. Và ngược lại - hệ miễn dịch càng yếu thì dị ứng càng tác động nhiều đến tình trạng cơ thể trẻ. Vì vậy, nếu trẻ bị dị ứng thì cần thường xuyên được tư vấn của chuyên gia dị ứng và miễn dịch.

Vệ sinh răng miệng kém

Cần đi khám nha khoa mỗi năm 2 lần. Đánh răng vào buổi sáng và tối, còn sau bữa trưa có thể dùng nước súc miệng.

Lây bệnh ở trường

Dù cơ thể của đứa trẻ có khỏe đến đâu, trong một tập thể có vài chục bạn cùng lớp và một số em bị hắt hơi và ho thì rất có khả năng bị lây bệnh.

Nên: Có quy định nghiêm ngặt dưới sự giám sát thường xuyên của chuyên gia tai mũi họng, có biện pháp phòng ngừa bắt buộc (xúc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, giữ vệ sinh sạch sẽ…).

Lưu ý

Trong những tháng ấm, có thể và nên cho trẻ đi chân trần trong nhà, trên bãi cỏ hoặc cát (những nơi đó không bị cứng và lạnh). Đi chân trần sẽ có tác động đến các điểm hoạt tính của bàn chân, kích thích khả năng phòng vệ của cơ thể.

Theo Helth

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ