Loạn quảng cáo “thần y”: Cần xử lý hình sự những “thần y” lừa đảo, trục lợi

GD&TĐ - Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), để chấn chỉnh tình trạng loạn “thần y” bùng phát tại nhiều tỉnh thành, cần xử lý hình sự những “thần y” lừa đảo, trục lợi.

Tràn lan các đoạn video tự quảng cáo "3 đời chữa sỏi thận". Ảnh chụp màn hình.
Tràn lan các đoạn video tự quảng cáo "3 đời chữa sỏi thận". Ảnh chụp màn hình.

Hiện nay, tình trạng nhiều người không có bằng cấp đã tự tôn vinh mình là "thần y", lương y "3 đời", quảng cáo thuốc chữa các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi như: Gout, đái tháo đường, khớp, thậm chí chữa khỏi cả ung thư giai đoạn cuối.

Các đoạn video quảng cáo này xuất hiện ngày càng nhiều, tràn lan trên mạng xã hội Facebook, YouTube,...

Các chuyên gia trong lĩnh vực y dược cổ truyền khẳng định, những quảng cáo thuốc đông y chữa dứt điểm nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo lan tràn trên mạng xã hội hiện nay là không đúng sự thật. Đối với một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hóa đốt sống... thuốc đông y hay tây y đều không thể chữa khỏi mà chỉ giảm triệu chứng và có thể tái phát sau một thời gian.

Đặc biệt, thuốc đông y, thuốc nam không chữa được các bệnh sùi mào gà, lậu, giang mai... Bệnh nhân bị bệnh này đều phải đi khám và điều trị bằng thuốc tây mới có thể khỏi bệnh

Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, cho biết Cục đang họp bàn để đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh y dược cổ truyền tại địa phương, cũng như quảng cáo "thần y" lan tràn trên mạng xã hội. Sau khi có phương án, Cục sẽ trình Bộ Y tế xem xét, triển khai thực hiện.

Đánh giá, nêu quan điểm về tình trạng quảng cáo loạn "thần y", "3 đời gia truyền",... tràn lan trên mạng xã hội, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam chia sẻ trên báo SKĐS cho hay: Thứ nhất, tình hình trong kinh tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bắt đầu quảng cáo thương hiệu sản phẩm hàng hóa do các đơn vị sản xuất ra trong đó có thuốc y học cổ truyền.

Tuy nhiên, thời gian qua phong trào quảng cáo rầm rộ thuốc Đông y quá mức trên các trang mạng xã hội, nhà nước cần tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo này.

Ông Cảnh cho rằng, cần làm rõ đâu là quảng cáo phù hợp, đúng pháp luật, đâu là không đúng pháp luật, quảng cáo mang tính lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người dân vào thuốc đông y Việt Nam. Quảng cáo không phù hợp, không đúng làm tổn thương đến uy tín của thuốc đông y Việt Nam trong lòng người dân.

Bởi, từ trước tới nay người dân luôn dành tình yêu và tin tưởng vào thuốc đông y. Do đó, các hoạt động làm thuốc giả, hay quảng cáo không đúng quy định, lợi dụng các trang mạng tuyên truyền không đúng pháp luật để quảng cáo thuốc đông y sẽ ảnh hưởng đến ngành đông y chân chính.

Các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài tiêu dùng, tổ chức xã hội cần lên án hành vi lợi dụng niềm tin của người dân để quảng cáo quá mức...

Cần xử lý hình sự những "thần y" lừa đảo, trục lợi

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) thông tin trên báo SGGP, cho rằng, thực sự chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương cũng rất sát sao nhưng phải khẳng định, những người hành nghề y dược cổ truyền trái phép, hay những người tự xưng là “thần y” cũng có rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn để thực hiện được các hành vi sai trái.

Có nơi chính quyền địa phương vừa dẹp xong thì họ lại tới nơi khác, tổ chức hành nghề lén lút, hay biến tướng bằng các hình thức khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã có Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với các mức xử phạt có tính chất răn đe.

Tuy nhiên, có lẽ mức phạt chưa đủ nặng để những người hành nghề trái phép sợ bởi lợi nhuận thu được cao hơn mức xử phạt. Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu để có mức xử lý nghiêm khắc hơn; không chỉ có xử phạt hành chính mà cần nâng lên về hình sự đối với những người cố tình vi phạm, lừa đảo, gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe và tính mạng của người bệnh, làm người bệnh mất đi cơ hội điều trị.

Thủ tướng yêu cầu xử lý hiện tượng tự xưng "thần y"

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý thông tin báo chí phản ánh về hiện tượng tự xưng “thần y” tràn lan trên mạng xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp về hiện tượng tự xưng “lương y”, “thần y” chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội.

Trước đó, các cơ báo chí phản ánh hiện tượng tự xưng “lương y”, “thần y” chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội, quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng; giới thiệu thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không phép.

Trên nhiều trang mạng cũng xuất hiện nhiều nhóm tự xưng “thần y” chữa được nhiều bệnh như yếu sinh lý, hiếm muộn, vô sinh... và cũng chưa có cơ quan chức năng nào xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ