"Thần y" giỏi nhất Việt Nam thực chất là lừa bịp người bệnh, kiếm tiền trơ trẽn!

GD&TĐ - Phòng Y tế huyện Ba Vì khẳng định, không cấp giấy phép cho người nào có tên Lý Thị Thu Hà, còn lãnh đạo Hội Đông y Hà Nội cũng cho biết Hội không có ai tên Lý Thị Thu Hà.

"Thần y" giỏi nhất Việt Nam thực chất là lừa bịp người bệnh, kiếm tiền trơ trẽn!

"Lương y giỏi nhất Việt Nam" là trò lừa bịp

Trước việc bà Lý Thị Thu Hà, thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội tự sản xuất khối lượng lớn thuốc đông y dạng nước, bột, cao bán ra thị trường cùng lời giới thiệu "nổ" trên các mạng xã hội là "thần y giỏi nhất Việt Nam" trong chữa bệnh viêm mũi, viêm xoang. Phía cơ quan chức năng đã có những phản ứng cho rằng, đó là trò lừa bịp và bà Lý Thị Thu Hà không phải thần y như quảng cáo.

Ông Hoàng Xuân Trường, Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì, Hà Nội khẳng định, Phòng không quản lý cơ sở nào với người đại diện có tên là Lý Thị Thu Hà và cũng không cấp phép khám, chữa bệnh Đông y cho cơ sở nào có tên vừa nêu.

Theo thông tin trên mạng, bà Lý Thị Thu Hà là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX thuốc Nam của người Dao Ba Vì. Tên tuổi thầy lang xóm núi gắn liền với những clip giới thiệu là người sở hữu bài thuốc gia truyền chữa viêm xoang, viêm mũi 400 năm của dòng họ, bà là người chữa căn bệnh này "giỏi nhất Việt Nam".

La liệt các quảng cáo Lương y Lý Thị Thu Hà trên MXH
La liệt các quảng cáo Lương y Lý Thị Thu Hà trên MXH

Nhiều clip được phát tán trên không gian mạng với khoảng 1 triệu lượt xem, trên 4.100 lượt like và trên 1.100 bình luận đặt hàng. Tổng số người tiếp cận qua nhiều năm, nhiều kênh như Facebook, Youtube, Google là rất lớn.

Nội dung các clip quảng cáo sản phẩm, bà Hà khẳng định đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, được phép bán sản phẩm đi các nơi, đồng thời, cá nhân bà cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Giấy chứng nhận sản phẩm uy tín, chất lượng 2017, Cúp thương hiệu, được Sở Văn hoá Thể thao Du lịch mời đi triển lãm...

Tuy nhiên, ông Hà Văn Tiêu, Phó Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội khẳng định: Hội Đông ty Hà Nội không có ai tên Lý Thị Thu Hà chứ chưa nói đến chuyện đó có phải là vị thần y giỏi nhất Việt Nam hay không.

"Đó chỉ là trò lừa bịp, trái với lương tâm, đạo đức của người thầy thuốc", ông Tiêu khẳng định.

Nhiều người làm nghề bán dược liệu tại Yên Sơn, Ba Vì cũng cho rằng, những thầy lang nổi tiếng từ trước đến nay ở địa phương là do nhiều năm làm nghề bốc thuốc, chữa khỏi bệnh cho nhiều người sau đó họ được người dân suy tôn, nhưng bản thân những thầy lang đó cũng không tự nhận mình là giỏi. Đến nay, người làng mới nghe đến chuyện bà Lý Thị Thu Hà là lương y "giỏi nhất Việt Nam.

Mong báo chí và cơ quan chức năng vạch mặt các thầy lang rởm

Ông Hà Văn Tiêu cho rằng: Hành vi của bà Lý Thu Hà gây ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ những thầy thuốc Đông y chân chính. Vì vậy, báo chí cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc để đưa những kẻ có dấu hiệu lừa dối người bệnh ra ánh sáng.

Được biết, chính ông Tiêu là người dạy người dân làng Yên Sơn, Ba Vì cách làm thuốc, phơi sấy thuốc làm sao cho tốt. Việc này mục đích là để bà con đảm bảo chất lượng nguồn dược liệu, kiếm thêm thu nhập chứ không dạy người dân cách nói sai sự thật, tự nhận là thần y, lang y giỏi nhất Việt Nam.

"Tôi rất buồn, rất xấu hổ vì trong ngành lại có những trường hợp tự phong như vậy. Người làm nghề chân chính không có ai như thế. Không chỉ bà Hà, thậm chí có trường hợp tự nhận là giáo sư, tiến sĩ nhưng không ai biết họ được phong giáo sư khi nào", ông Tiêu bày tỏ.

Nhiều người dân cho rằng, việc Chủ nhiệm HTX hay Chủ tịch HĐQT một HTX thuốc Nam như bà Lý Thị Thu Hà không có nghĩa người này là thần y. Người không có trình độ, chuyên môn về Đông y vẫn có thể thành lập HTX, chỉ cần họ có hoạt động kinh tế trong lĩnh vực Đông y, như nhân giống, bán cây dược liệu. Nó cũng giống như HTX trồng cam, trồng quế, dứa ở những nơi khác.

Ngoài ra, thông tin về lịch sử các bài thuốc của bà Lý Thị Thu Hà có lịch sử hơn 400 năm cũng bị nhiều người nghi ngờ. Ông Tiêu khẳng định, kể cả khi bài thuốc gia truyền hơn 400 năm hay hơn 2000 năm thì cũng chưa chắc có tác dụng ở thời điểm hiện tại. Lý do là điều kiện tự nhiên, con người mỗi thời có sự thay đổi. Cách đây 400 năm thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước ở Ba Vì khác so với hiện tại. Vì vậy, một bài thuốc nếu không có sự kế thừa, kiểm chứng bởi những người có tâm, giỏi chuyên môn thì có thể không có tác dụng chữa bệnh ở hiện tại.

Theo Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải, Công ty Luật Thiên Minh, Đoàn Luật Sư Hà Nội, trước thông tin về thầy lang "giỏi nhất Việt Nam, cơ quan công an cần sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.