Coi chừng mất mạng với các ‘thần y’

Từ quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người đã cả tin nghe theo các “thần y” trên mạng hay các bài thuốc truyền miệng không có kiểm chứng, tự rước họa vào thân.

Quảng cáo trên mạng với những lời khẳng định về tác dụng chữa bệnh của những bài thuốc chưa có kiểm chứng.
Quảng cáo trên mạng với những lời khẳng định về tác dụng chữa bệnh của những bài thuốc chưa có kiểm chứng.

Đánh cược sức khoẻ

Những ngày qua, dư luận “nóng” lên sự việc ông Võ Hoàng Yên (sinh năm 1975) được đồn thổi là “thần y” bị tố lừa đảo hàng trăm tỉ đồng, dàn dựng cảnh chữa bệnh nan y để tự quảng cáo hình ảnh.

Trước đó, người này tự nhận có khả năng trị được các bệnh: Câm, điếc, bại liệt... nên có nhiều người tìm đến điều trị. Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã vào cuộc, yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Thuận (nơi cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Võ Hoàng Yên) kiểm tra, rà soát toàn bộ thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho ông này.

Cụ thể, Cục Quản lý y, dược cổ truyền yêu cầu rà soát việc sau khi tốt nghiệp y sĩ tại Trường trung cấp Tuệ Tĩnh (Thanh Hoá) vào tháng 7/2017, ông Võ Hoàng Yên đã thực hành tại cơ sở nào theo quy định để có đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh vào năm 2018; rà soát quá trình hành nghề khám, chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên tại tỉnh Bình Thuận và các địa phương khác. Sự việc vẫn đang tiếp tục được làm rõ.

Thời gian gần đây, trên internet, mạng xã hội nhan nhản các quảng cáo, thông tin về các “thần y” chữa đủ thứ bệnh, bệnh nào cũng “cam kết chữa khỏi 100%” kể cả những bệnh tây y phải bó tay. Chính vì tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, nhiều người cả tin nghe theo các bài thuốc không có kiểm chứng và đã “lĩnh” hậu quả là phải đánh đổi bằng sức khoẻ, tính mạng của mình.

Bệnh viện Đa khoa XanhPôn (Hà Nội) vừa tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nam “mọc” lên khối u to bằng quả ổi sau khi tự chữa trị bằng cách mua thuốc trên mạng. Trước đó bệnh nhân được bác sỹ kết luận mắc bệnh gout. Tuy nhiên, thay vì điều trị theo phác đồ của bệnh bệnh gout. Tuy nhiên, thay vì điều trị theo phác đồ của bác sỹ đưa ra, bệnh nhân lại tự tìm mua thuốc đông y được quảng cáo trên mạng. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh nhân không những không khỏi bệnh mà cổ chân còn xuất hiện khối u to, đau nhức…

Về trường hợp này, TS.BS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi phải chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối sùi, nếu để lâu sẽ khiến khớp xương của bệnh nhân bị phá hủy. Bên cạnh đó, trong thuốc bệnh nhân tự mua trên mạng có chứa thành phần Corticoid (nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch) nếu dùng lâu ngày có thể gây những tác dụng phụ bất lợi như: đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, suy tuyến vỏ thượng thận…”

Gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp tin lời các “danh y” tự xưng trên mạng để rồi chuốc phải “quả đắng”. Bệnh nhân P.A.T. (49 tuổi), ở Thái Nguyên) bị viêm gan B đã 5 năm nhưng không đến cơ sở y tế khám, mà chỉ tìm đến “thầy lang” qua lời quảng cáo để mua thuốc nam uống. Sau đó ông được phát hiện có 2 khối u gan, gan đã bị xơ hóa nghiêm trọng. Cũng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân K.T.T. (51 tuổi, ở Thái Nguyên) đã trong tình trạng vàng da, vàng mắt, suy gan, thận, xơ gan tối cấp. Trước đó, bệnh nhân này tự ý bỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ và uống thuốc “đại kiện cam” của một “danh y” theo lời đồn. Hiện tiên lượng của bệnh nhân khá xấu, buộc phải ghép gan trong thời gian tới và khó có thể hồi phục hoàn toàn.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc quảng cáo thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, các kênh thông tin ngày càng tràn lan, nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tin của người bệnh để kiếm lời. Còn người dân vì cả tin nên vướng vào “bẫy” của các “thần y”, “danh y” tự xưng trên mạng. Đặc biệt, nhiều quảng cáo còn sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các chuyên gia nổi tiếng để cắt ghép vào video quảng cáo, khiến nhiều người bệnh hiểu nhầm.

Cơ quan quyết liệt, người dân tỉnh táo

Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong thời gian qua, Cục đã tiếp nhận nhiều phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên mạng, cụ thể là các ứng dụng Youtube, facebook… tại các địa phương.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên bằng chứng, khoa học; các bài thuốc y học cổ truyền cũng phải xây dựng và phát triển dựa trên yêu cầu này. Theo quy định, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi cấp tỉnh. Các bài thuốc này cũng chỉ được lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép. Tuy nhiên thực tế hiện nay, thuốc y học cổ truyền, nhất là thuốc gia truyền chưa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, lại dễ dàng xuất hiện trên mạng với những lời quảng cáo “có cánh” như: Điều trị tận gốc, an toàn, cam kết chữa khỏi 100%...

Để hạn chế tình trạng thuốc đông y quảng cáo tràn lan, Bộ Y tế cho biết, sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; với người đã được cấp phép, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai sót thì cơ sở quản lý ở địa phương chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Cùng với đó là các biện pháp tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực y dược cổ truyền tư nhân, đảm bảo thuốc đông y phải phát triển dựa trên khoa học bằng chứng.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần có sự hiểu biết, tỉnh táo khi lựa chọn các phương án điều trị bệnh.

“Với người dân, việc sử dụng thuốc đông y cũng phải chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ; thuốc phải được kiểm định rõ ràng vì thực tế đã có nhiều bằng chứng về việc các thuốc đông y được trộn thành phần có thuốc Tây. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn đối với việc bán hàng, quảng cáo online, nhất là các bài thuốc chữa bệnh. Người mắc bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế tin cậy, tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, không nên tin vào những bài thuốc trôi nổi gây ảnh hưởng xấu cho chính sức khoẻ của mình”, TS.BS Đỗ Đình Tùng khuyến cáo.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ